Chi tiết 82 dự án BT chính thức bị dừng triển khai ở Hà Nội
Trong số 82 dự án đầu tư theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) Hà Nội vừa bị dừng triển khai thực hiện có nhiều dự án của các “ông lớn” bất động sản.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội mới đây đã hành văn bản về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hình thức BT.
"Lý do dừng triển khai các dự án nêu trên do theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021), đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT dừng triển khai dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu", Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội nêu tại văn bản.
Trong 82 dự án dừng triển khai có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa ký hợp đồng là: "Dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển" quy mô 7,5 km do liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest - CTCP Đầu tư Văn Phú CIC - CTCP Đầu tư Văn Phú số 1 - CTCP Tập đoàn Phú Mỹ - Công ty TNHH An Quý Hưng thực hiện và dự án "Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai" với quy mô 23,1 km do liên danh Công ty CP Sông Đà - Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) - CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới - CTCP Đại An thực hiện.
Cùng với đó là 11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong danh sách 82 dự án dừng triển khai, công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền có 4 dự án bao gồm: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực sông Cầu Bây và nhà máy XLNT Phúc Đồng, quận Long Biên; hệ thống thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải lưu vực S3, đồng thời bổ cập thải sau xử lý cho sông Tô Lịch; xây dựng nhà máy xử lý nước thải Hải Bối – Sơn Du- Cổ Loa và mạng lưới đường ống thoát nước Hải Chính.
Công ty CP Phát triển Đô thị Việt Hưng (Tập đoàn Ecopark) có 4 dự án: Xây ba tuyến đường Đa Tốn (trên đường Hà Nội - Hải Phòng); đường nối KĐT với đường 179; đường 179 từ Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải; xây cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh; cải tạo sông Đáy; hạ ngầm đường cao thế đoạn Chèm - Tây Hồ.
Công ty CP Tập đoàn T&T có 3 dự án bị dừng triển khai gồm: Vành đai 3,5 đoạn cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 5 kéo dài; Vành đai 4 đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ 32 và đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; xây dựng tuyến đường từ Thành cổ Sơn Tây tới phía Bắc Đền Và.
Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Đăng và công ty CP Him Lam đều có 2 dự án bị dừng đầu tư. Công ty CP Bitexco, liên danh Công ty CP tập đoàn dược phẩm Vimedimex và Công ty Bất động sản Đông Anh, công ty CP Tasco, CTCP Tập đoàn Mặt Trời, Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội Geleximco, CTCP Tập đoàn Nam Cường và CTCP Tập đoàn CEO có 1 dự án bị dừng triển khai.
Ngoài ra còn có dự án của các doanh nghiệp như: Công ty CP bất động sản Thái AN; Công ty CP đầu tư và phát triển Hòa Bình; Tổng công ty ĐTPT Nhà và Đô thị - Bộ Quốc phòng; Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn; Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn, CapitalLand; Hateco, Công ty CP địa ốc Bách Việt; Công ty TNHH An Bình; Công ty CP tư vấn và xây dựng Phú Xuân…
Trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán gửi Quốc hội trong kỳ họp giữa năm 2020 đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong 29 dự án BT đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện. Theo đó, kiểm toán phát hiện hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công. Các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư từ sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo KTNN, hầu hết các dự án được kiểm toán ở Hà Nội đều xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế. Dự án tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên) giảm dự toán 69,2 tỷ đồng, chi phí đền bù GPMB giảm 754,3 tỷ đồng. Dự án đường 2,5 đoạn Ðầm Hồng - Quốc lộ 1A cũng giảm tới 251,4 tỷ đồng... Bên cạnh đó, một số dự án phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT. Kết quả kiểm toán 29 dự án còn cho thấy, hầu hết đều thực hiện theo phương thức chỉ định nhà đầu tư, chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất. Tại tỉnh Bắc Ninh, có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất. Trong đó, dự án Công viên hồ điều hòa Văn Miếu và dự án Nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh do nhà đầu tư đề xuất và không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.
Qua kết quả kiểm toán 29 dự án BT, KTNN kiến nghị xử lý 5.228 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn (chiếm 25%) so với giá trị được kiểm toán, như TPHCM 1.182,6 tỷ đồng; thành phố Hà Nội 1.854,59 tỷ đồng; Bắc Ninh 132,43 tỷ đồng.
Tiền phong