MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi tiêu cho du lịch của người Việt năm nay sẽ ra sao?

Báo cáo Cất cánh cùng ngành du lịch 2024, là kết quả của việc nghiên cứu dữ liệu từ 30 triệu người dùng trên nền tảng Cốc Cốc và khảo sát trực tuyến trên phạm vi toàn quốc cho thấy có hơn 50% đáp viên duy trì tần suất đi du lịch tối thiểu 1 lần/năm.

Chi tiêu cho du lịch của người Việt năm nay sẽ ra sao?- Ảnh 1.

Tuy nhiên, số liệu của năm 2024 cho thấy người Việt có xu hướng đi du lịch thường xuyên hơn, với tỷ lệ du lịch từ 3 lần/năm trở lên đạt 22,4% - con số cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng ghi nhận rằng người Việt dần lên kế hoạch rõ ràng hơn cho chuyến đi. Hơn 60% số đáp viên của năm 2024 cho biết họ đã có kế hoạch rõ ràng về thời gian du lịch, so với khoảng chỉ 44% của năm 2022. Cụ thể hơn, với du lịch trong nước, gần 1/2 đáp viên cho biết họ cần dưới 1 tuần để lên kế hoạch cho chuyến đi. Trong khi đó, 25% sẽ cần hơn 2 tháng để chuẩn bị cho chuyến du lịch nước ngoài của họ.

Mối quan tâm tới các địa điểm nước ngoài tăng lên đáng kể so với năm trước, tăng từ 14,1% lên 21,5%, dù số đông vẫn lựa chọn du lịch trong nước. Theo khảo sát đối đối với người dùng Cốc Cốc, Đà Nẵng - Đà Lạt - Hà Nội là top 3 điểm đến trong nước được yêu thích nhất.

Đà Lạt - được mệnh danh là "tiểu Paris", đã 3 năm liền nằm trong top 3 điểm đến. Trong khi Hà Nội từ vị trí #7 trong các năm trước đã “thăng hạng” vượt bậc trong bảng xếp hạng năm nay.

Về du lịch nước ngoài, báo cáo của The Outbox Company cho thấy một trong những điểm đáng chú ý nhất của thị trường du lịch outbound Việt Nam mùa hè 2024 là sự nổi lên của phân khúc du khách trung niên. 

Kết quả khảo sát cho thấy Gen X (những người sinh ra từ năm 1965 đến 1980) là phân khúc thị trường dẫn đầu cho mùa hè năm nay; với 58,8% du khách trong nhóm này được hỏi cho biết sẽ thực hiện ít nhất một chuyến đi du lịch nước ngoài vào mùa hè. Con số này gấp 2 lần so với kết quả khảo sát ở nhóm du khách trẻ tuổi thuộc phân khúc Gen Z.

Du lịch nội vùng vẫn tiếp tục là xu hướng chủ đạo của người Việt khi đi du lịch nước ngoài, khi có 64,4% du khách Việt Nam lựa chọn các điểm đến gần trong khu vực châu Á cho chuyến đi kế tiếp. 

Khách du lịch Việt Nam vẫn "trung thành" với các điểm đến truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay Singapore. Đáng chú ý là Trung Quốc đại lục đã thay thế Đài Loan (Trung Quốc) trở thành điểm đến nổi bật mới trong top 5 điểm đến quốc tế hàng đầu được du khách Việt Nam yêu thích, theo khảo sát của The Outbox Company.

Liên quan đến ngân sách du lịch, có thể thấy tình hình kinh tế khó khăn tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách chi tiêu du lịch của thị trường khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, khi phần lớn các nguyên nhân tăng giảm chi tiêu của khách Việt Nam đều tập trung ở các lo ngại về tài chính và chi phí.

Những tác động từ nền kinh tế vĩ mô như lạm phát, giá cả tăng cao cũng tạo ra những rào cản nhất định tới ngành du lịch nói chung và nhu cầu du lịch của người dân nói riêng. Theo Cốc Cốc, 65% số đáp viên cho biết lạm phát có ảnh hưởng tới quyết định đi du lịch của họ, tỷ lệ này tăng thêm 3% so với 2023.

Cụ thể, có tới hơn 46% đáp viên cho biết chi phí là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng tới quyết định của họ, đặc biệt đối với của độ tuổi dưới 25 và phần lớn nữ giới. Trong khi đó, hơn phân nửa đáp viên độ tuổi 25-34 – những người trẻ bận rộn cho biết họ không thể đi du lịch trong thời gian tới bởi hạn chế về thời gian, công việc.

Tuy vậy, một điểm sáng đối với ngành du lịch khi khảo sát chỉ ra rằng dù tỷ lệ đáp viên gặp vấn đề về tài chính cá nhân và cảm thấy chi tiêu du lịch đang tăng lên so với 2023, nhưng tâm lý ưu tiên cho du lịch không vì thế mà giảm xuống. Năm 2023, có 1/3 ưu tiên những mối quan tâm khác ngoài du lịch nhưng tới 2024 tỷ lệ này chỉ còn 1/4 . Bên cạnh đó, tỷ lệ người phải dùng đến các biện pháp cắt giảm chi tiêu cho du lịch cũng giảm xuống so với 2023.

Thời gian này là mùa cao điểm du lịch trong năm khi học sinh, sinh viên được nghỉ hè và nhu cầu du lịch tăng cao do thời tiết nắng nóng, nhất là những điểm đến có khí hậu mát mẻ hay các bãi biển trong xanh. Các công ty du lịch, nền tảng du lịch trực tuyến cũng đang chuẩn bị tung ra rất nhiều ưu đãi để đón mùa cao điểm sắp tới.

Mới đây, Traveloka, nền tảng du lịch hàng đầu Đông Nam Á, vừa chính thức công bố chương trình siêu sale mùa hè Mega Sale 6.6, đáp ứng nhu cầu đặt dịch vụ sớm và đón đầu kỳ nghỉ mùa hè, với hàng nghìn phiếu giảm giá, phiếu quà tặng và trò chơi nhận thưởng, hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội cho hàng triệu khách hàng đi du lịch trong và ngoài nước với ngân sách tiết kiệm. Chương trình khuyến mãi bao gồm: Mua 1 tặng 1 cho vé máy bay, nơi lưu trú, hoạt động du lịch, vé xe buýt và nhiều dịch vụ khác.

Khảo sát của The Outbox Company chỉ ra, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch Việt Nam dự kiến cho chuyến du lịch nước ngoài hè này rơi vào khoảng 1.000 - 1.500 USD. Mức chi tiêu sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào điểm đến mà du khách lựa chọn, với các điểm đến nằm ngoài châu Á, du khách Việt Nam sẵn sàng chi trả hơn 2.000 USD cho một chuyến đi. Mốc cao điểm của mùa hè đối với du lịch outbound được dự báo sẽ rơi vào giai đoạn tháng 6 và tháng 7 năm nay.

Còn theo Cốc Cốc, mức chi tiêu trung bình của phần lớn người dùng là từ 2 - 5 triệu đồng cho mỗi chuyến đi. Lứa tuổi trẻ đặc biệt là 25 - 34 chi tiêu mạnh hơn với ~70% chi tiêu từ 5 triệu trở lên cho mỗi chuyến đi, trong khi lứa tuổi 35 - 44 thường hạn chế chi tiêu cho du lịch hơn. Với độ tuổi 45+ mức chi tiêu cho du lịch quay trở lại với mức ngân sách phổ biến ở khoảng 2 triệu - dưới 10 triệu.

Võ Yến

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên