MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng không Việt Nam và các nước đã làm gì khi thiếu máy bay?

Hàng không Việt Nam và các nước đã làm gì khi thiếu máy bay?

Thời gian qua, nhiều hãng hàng không trên thế giới đang phải chịu ảnh hưởng của việc thiếu hụt máy bay và giá thuê tàu bay tăng cao. Họ đang ứng phó thế nào trước thách thức này?

Thời gian qua, nhiều hãng hàng không trên thế giới đang phải chịu ảnh hưởng của việc thiếu hụt máy bay và giá thuê tàu bay tăng cao. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay tăng.

Kể từ sau Covid-19, hàng không toàn cầu đã đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, thiếu máy bay do nhu cầu đi lại của người dân nhanh chóng phục hồi về mức trước đại dịch. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt máy bay và động cơ khiến giá thuê bị đẩy lên cao cũng là xu hướng đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. 

Theo những nghiên cứu và đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì.

AAPA cho biết, khởi nguồn của việc thiếu hụt này là từ các vấn đề xảy ra với hai nhà sản xuất tàu bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing; trong khi các tàu bay của Airbus đang đối mặt với vấn đề triệu hồi để sửa chữa động cơ trên các dòng máy bay chủ lực A320, A321 của nhiều hãng hàng không trên thế giới, thì Boeing đang gặp phải những vấn đề sự cố kỹ thuật trong khai thác các dòng máy bay thế hệ mới 737, dẫn đến việc chậm trễ bàn giao tàu bay cho các hãng hàng không.

Đáng chú ý, mới đây, tờ Daily Mail của Anh đưa tin khoảng 300 máy bay Boeing có một khiếm khuyết nghiêm trọng có thể dẫn đến một vụ nổ giữa không trung và nói thêm việc khắc phục sự cố có thể khiến công ty thiệt hại ít nhất 698 nghìn USD.

Tất cả những sự kiện này đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt máy bay nói chung với ngành hàng không toàn cầu. Công ty tư vấn hàng không AeroDynamic Advisory dự báo các hãng không nói chung sẽ nhận được số lượng máy bay ít hơn 19% so với dự kiến. Con số này với hàng không Mỹ nói riêng sẽ là 32%.

Ứng phó khủng hoảng thiếu tàu bay

Để ứng phó với khủng hoảng thiếu thiếu tàu bay, các hãng hàng không và cơ quan quản lý tại Mỹ đã triển khai một loạt các biện pháp chiến lược.

Cụ thể, các hãng hàng không lớn như American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines đã triển khai đặt hàng hàng loạt máy bay mới từ các nhà sản xuất như Boeing và Airbus để mở rộng và hiện đại hóa đội bay của mình. Bao gồm các mẫu máy bay mới như Boeing 737 MAX và Airbus A320neo, vốn có hiệu suất nhiên liệu cao hơn và chi phí vận hành thấp hơn.

Bên cạnh đó, để nhanh chóng tăng cường số lượng máy bay trong thời gian ngắn, nhiều hãng hàng không đã chuyển hướng sang thuê máy bay. Điều này có thể giúp họ có thể bổ sung thêm máy bay mà không cần chờ đợi lâu.

Hiện nay, Hoa Kỳ cũng đang tối ưu hóa lịch bay và cấu trúc lại các tuyến bay để tận dụng tối đa đội bay hiện có, giảm thiểu thời gian không sử dụng và tăng cường hiệu suất hoạt động, tối ưu hóa việc sử dụng các máy bay hiện có bằng cách thực hiện bảo dưỡng và nâng cấp. Điều này giúp kéo dài tuổi thọ của máy bay và đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Chính phủ Hoa Kỳ cũng triển khai các gói hỗ trợ tài chính để giúp các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn. Các hỗ trợ này bao gồm các khoản vay ưu đãi, trợ cấp và các chính sách giảm thuế.

Thiếu máy bay, hàng không các nước ráo riết chuẩn bị phương án cho cao điểm hè: Mỹ

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu tàu bay, các hãng hàng không lớn của Mỹ đã đặt hàng hàng loạt máy bay mới từ các nhà sản xuất như Boeing và Airbus để mở rộng và hiện đại hóa đội bay của mình

Tương tự tại Thái Lan, đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu du lịch giảm mạnh, điều này buộc các hãng hàng không phải cắt giảm số lượng chuyến bay và tạm ngừng hoạt động nhiều tàu bay, đồng thời chịu tổn thất tài chính lớn, dẫn đến việc giảm bớt số lượng tàu bay hoạt động.

Sau khi các hạn chế du lịch được dỡ bỏ, nhu cầu bay tăng trưởng mạnh mẽ, vượt qua dự đoán của các hãng hàng không, tạo áp lực lớn lên số lượng tàu bay hiện có. Bên cạnh đó, khó khăn tài chính khiến các hãng hàng không giảm đầu tư vào mua sắm và thuê tàu bay mới, trong khi giá thuê tàu bay tăng cao do nhu cầu lớn.

Để có thể ứng phó với khủng hoảng, các hãng hàng không Thái Lan đã tăng cường thuê máy bay từ các công ty cho thuê quốc tế để nhanh chóng bổ sung đội bay và đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến của khách du lịch và vận chuyển hàng hóa.

Thai Airways và các hãng khác đã đàm phán lại các hợp đồng thuê máy bay để đạt được các điều khoản thuận lợi hơn trong bối cảnh tài chính gặp khó khăn. Việc này bao gồm đàm phán giảm giá thuê và gia hạn thời hạn thuê để phù hợp với khả năng tài chính hiện tại của hãng.

Cùng với đó, chính phủ Thái Lan đã cung cấp hỗ trợ tài chính và các biện pháp khuyến khích để giúp các hãng hàng không vượt qua khó khăn. Bao gồm các gói cứu trợ tài chính và các biện pháp hỗ trợ khác nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không.

Các hãng hàng không cũng đã phát hành cổ phiếu hoặc vay vốn với lãi suất ưu đãi để tài trợ cho việc mở rộng đội bay và đầu tư vào các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Tại Việt Nam, có đến đến 42 máy bay của 2 hãng Vietjet Air và Vietnam Airlines nằm trong diện triệu hồi để bảo dưỡng hoặc thay thế. Dự báo, dịp cao điểm hè này, tổng tải thị trường cần khoảng 24 triệu ghế. Để xử lý tình trạng thiếu hụt và đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay.

Vietnam Airlines hiện đang tìm thuê 4 máy bay trong vòng 2-3 tháng, tính từ 1/6 tới. Các hãng hàng không còn lại là Vietjet, Bamboo Airways và Viettravel Airlines cũng đang tìm cách mở rộng đội bay trong thời gian ngắn hạn.

Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình để giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay (cố gắng từ 45 phút xuống còn 35 phút), tăng thời gian bay đêm và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.

Khánh Linh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên