Hỗ trợ, cải cách với cường độ cao hơn góp phần khơi thông nguồn lực tăng trưởng
Chính phủ đã quyết tâm từ ban hành các chủ trương đến đốc thúc các khâu triển khai thực hiện. Tinh thần quyết liệt "chỉ bàn làm, không bàn lùi" đã tạo sự chuyển biến trong khâu triển khai thực hiện ở các bộ, ngành địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng tới các mục tiêu đã đặt ra.
Đây là nhận xét của PGS TS Đinh Trọng Thịnh khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2024 của Chính phủ trước Quốc hội vừa qua.
Nỗ lực vượt khó, tạo nền tảng phục hồi
Phân tích bối cảnh năm 2023, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi, các DN gặp khó do thiếu đơn hàng, áp lực lãi suất tăng cao... Thực tế việc tiêu thụ chậm khiến lượng hàng tồn kho tăng gây ra khá nhiều vấn đề. Điều đó có thể khiến xảy ra tình trạng vay nợ lòng vòng, làm cho tình hình huy động vốn sử dụng vốn gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể thấy Chính phủ đã ra các quyết sách kịp thời đi đôi với quyết tâm chỉ đạo hết sức quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài.
Chính phủ đã có Nghị quyết 01 về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh cùng với các chính sách hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ đã nêu rõ quan điểm và giải pháp để vượt khó. Thực tế, sau khi Quý 1, có tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 tăng khá thấp, thì các Quý 2, 3, 4 tình hình đã tốt lên rất nhiều, cuối cùng đạt mức 5,05%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Mức tăng này đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao của thế giới năm 2023. Quan trọng là chúng ta đã giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, giữa giá trị VND, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm (chi phí vốn ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây).
Chính sự ổn định đó đã góp phần làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh DN ngày một tốt hơn, đặc biệt quý cuối năm, tăng trưởng sản xuất tốt lên cùng với việc ký được nhiều đơn hàng, hoạt động tín dụng trở nên sôi động và đạt mức 13,71% trong năm 2023.
Việc điều hành chính tài khóa và tiền tệ giúp quá trình hồi phục của DN được đẩy nhanh hơn dù vẫn chưa hết khó khăn. Hoạt động xuất khẩu vẫn tăng âm nhưng xu hướng được cải thiện rõ rệt.
Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng là dấu hiệu tốt giúp việc giải quyết hàng tồn kho tốt hơn.
Bên cạnh đó, chuyên gia Định Trọng Thịnh nhận xét, Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai các chính sách tài khóa kịp thời, hiệu quả như: Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế đối với một số khoản thuế như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tiền thuê đất cho một số đối tượng trong nền kinh tế; thực hiện các biện pháp miễn, giảm một số khoản thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, DN...
Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2023 tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2 điểm phần trăm mức thuế GTGT đối với nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (giảm từ 10% xuống còn 8%). Cùng với các chính sách hỗ trợ tới hơn 30 loại thuế phí năm trước đó đã giúp giảm gánh nặng cho DN, có thêm dòng tiền để duy trì, phục hồi dần hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để thu hút vốn từ bên ngoài, Chính phủ đã có nhiều biện pháp tích cực thúc đẩy việc thu hút và giải ngân với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ dòng vốn FDI. Theo đó, thu hút vốn FDI đạt 39,4 tỷ USD tăng 34,5%. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết liệt đốc thúc giải ngân đầu tư công cùng với việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông. Số liệu về vốn giải ngân tăng cao phản ánh kết quả nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù số giải ngân đầu tư công đạt 95%, mới gần tới mục tiêu rất cao đã đề ra nhưng nếu nhìn vào số tuyệt đối (95% của khoảng hơn 711 nghìn tỷ đồng) là con số rất lớn cao hơn khoảng 130% so với năm 2022.
Để đạt kết quả trên, lãnh đạo Chính phủ đã làm việc rất quyết liệt với các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm. Không chỉ yêu cầu về số lượng, tại đó cuộc họp về thúc đẩy giải ngân, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu phải: Bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.
Các chỉ số thành phần trên giúp kinh tế vĩ mô dù gặp nhiều bất lợi bên ngoài vẫn duy trì mức tăng khá ổn định. Đồng thời, các lãi suất giảm thấp cùng các chính sách tài khóa hỗ trợ khiến DN có thêm các điều kiện để hồi phục tốt hơn, từ đó đóng góp tích cực trở lại cho nền kinh tế.
Tiếp tục các chính sách hỗ trợ và cải cách với cường độ mạnh hơn
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro... Mặc dù vậy, với đà phục hồi từ trước, cùng với những nỗ lực từ đầu năm,
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023 (cao nhất trong 5 năm). Cùng với đó, tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn...
"Diễn biến trên cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang khá yên tâm đổ vốn xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Phân tích về tình hình giải ngân đầu tư công, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đánh giá con số đạt được còn thấp, nhưng vẫn khá hơn so với nhưng tháng đầu năm 2023.
Năm 2024, tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2024 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là hơn 697.337 tỷ đồng) là khá cao thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ để đẩy mạnh đầu tư công, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy mạnh hơn sự phát triển của các địa phương trên cả nước.
Có thể thấy, ngay từ đầu năm Chính phủ đã có hành động quyết liệt triển khai công việc này. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 với những chỉ đạo của thể để quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Bên cạnh triển khai 5 Tổ công tác từ Trung ương như năm 2023. Thủ tướng đã yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công do lãnh đạo tỉnh làm Tổ trưởng, gắn chặt kết quả công việc với đánh giá trách nhiệm người đứng đầu.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các kết quả trong 4 tháng đầu năm 2024 khá khả quan như: Kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng và xuất siêu 8,4 tỷ USD. Quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước . Đó là chỉ dấu cho thấy việc các DN đang có thêm các đơn hàng, thu hút lao động sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao mức sống người dân.
Về cơ chế chính sách, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính. Tại phiên họp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu: Cải cách thể chế phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh. Cải cách thủ tục hành chính, phải tập trung cho đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, DN.
Đặc biệt, Thủ tướng rất quan tâm tới việc số hóa hoạt động của bộ máy Chính phủ từ trung ương tới địa phương, nhằm tạo điều kiện giảm thiểu tối đa thời gian chi phí, tăng tính thị trường, tạo điền kiện cho DN phát triển bình đẳng...
Có thể nói, thời điểm này việc Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN duy trì quan điểm tiếp tục kéo dài hỗ trợ chính sách tài khóa, tiền tệ đồng thời thể hiện quyết tâm cải cách, cải thiện môi trường hỗ trợ DN tạo thêm lòng tin cho các DN nỗ lực sản xuất, kinh doanh. "Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ, tỉ giá tăng khoảng 5% trong bối cảnh tình hình quốc tế biến động thì các chỉ số này có thể coi là tương đối ổn định", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phân tích.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh đồng tình với các giải pháp phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới. Trong đó, vị chuyên gia này đề xuất cần tiếp tục tập trung nhiều vào cải cách thủ tục hành chính, gỡ vướng chính sách, nhưng phải nhanh và quyết liệt hơn nữa để tận dụng các cơ hội mới.
Cần tiếp tục hỗ trợ các DN Việt trong việc phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Vị chuyên gia này cũng cho rằng: Dù CPI vẫn khá ổn nhưng hiện nay áp lực về mặt giá cả đang ngày một tăng, đặc biệt áp lực tăng tỉ giá hối đoái, lãi suất, giá vàng cao ít nhiều có ảnh hưởng tâm lý người người dân, cần có cách giải bài toán, xử lý cân đối lãi suất, tỉ giá hối đoái tốt nhất, bảo đảm cân đối các mục tiêu chính. Với bối cảnh này việc duy trì lãi suất thấp "mong manh" hơn, do đó, có thể tăng lãi suất đầu vào để thu hút được tiền gửi nhưng cố gắng hạn chế tăng đầu ra, dù điều này là khá khó khăn với các ngân hàng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần khắc phục trình trạng thiếu các nguyên vật liệu thi công các dự án đầu tư công đang nở rộ, đây là điểm nghẽn làm dự án đầu tư công chậm tiến độ.
Về lĩnh vực bất động sản, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đồng tình với quan điểm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội từ đó tăng nguồn cung nhà ở xã hội giá hợp lý, không nên để tình trạng sốt ảo ở một số phân khúc, thúc đẩy thị trường bất động sản bền vững hơn...
Về giải pháp, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp thời gian tới, các giải pháp này đang đi vào tháo gỡ các nút thắt cơ bản về nguyên vật liệu tỉ giá, ổn định lạm phạt hỗ trợ chi phí sản xuất của DN từ đó góp phần đẩy mạnh tăng trưởng thời gian tới, vấn đề làm sao các biện pháp đó nhanh chóng phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn, đây là các vấn đề bộ ban ngành địa phương tăng cường kiểm tra giám sát.
"Chính sách thuế đang hỗ trợ DN rất hiệu quả tuy nhiên, cũng cần tính đến các cá nhân, cụ thể là cần sớm tính đến việc sửa đổi thuế thu nhập, bảo đảm nhu cầu chi tiêu của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả tiêu dùng đã tăng, việc duy trì mức giảm trừ gia cảnh ở mức 11 triệu đồng/người/tháng với người nộp thuế và một số bậc tính thuế đã không còn phù hợp", PGS TS Đinh Trọng Thịnh góp ý.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định"; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 02 bậc.
Báo Chính phủ