MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi tiêu Tết: Tranh thủ hết các đợt sale để mua sắm, cặp vợ chồng trẻ quyết chi không quá 20 triệu đồng

23-11-2023 - 08:15 AM | Sống

Không ít người thừa nhận, dù chưa đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng họ đã và đang phải bắt đầu công cuộc sắm Tết, nhằm giảm bớt áp lực chi tiêu cho những ngày cuối năm.

"Cả năm chăm chỉ cày cuốc, dành dụm để Tết nghỉ ngơi, nhưng tiền lại như bốc hơi" là chuyện thường thấy với bất cứ gia đình nào vì có rất nhiều khoản chi cho mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Nếu như mọi năm, việc chi tiêu có phần "dễ thở" hơn vì khoản thu kiếm về vẫn đều đặn và ổn định thì dịp Tết Nguyên đán năm nay, bài toán lại trở nên khó nhằn hơn nhiều.

Bài toán chi tiêu ngày Tết: Cắt giảm tới 60% so với năm ngoái, chỉ chi cho nhu cầu thiết yếu

Tết đến xuân về mang tới nhiều niềm vui và hạnh phúc bởi khi đó gần như là dịp duy nhất để tất cả các thành viên trong gia đình quây quần, hỏi thăm nhau sau 1 năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, không ít người trưởng thành (đặc biệt là những người đã lập gia đình) cũng cảm thấy khá áp lực khi nghĩ tới bài toán chi tiêu Tết.

1. Gia đình Nhật Linh (28 tuổi, Hà Nội, chưa có con)

Chi tiêu Tết: Tranh thủ hết các đợt sale để mua sắm, cặp vợ chồng trẻ quyết chi không quá 20 triệu đồng- Ảnh 1.

Hiện tại, Nhật Linh đã tranh thủ sắm đồ cho dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến, cô sẽ chỉ chi tối đa 20 triệu đồng cho dịp Tết này, thấp gần 1 nửa so với năm ngoái.

Nhật Linh cũng cho biết, vì may mắn 2 vợ chồng đều cùng ở Hà Nội, khoảng cách giữa 2 gia đình nội - ngoại chỉ tầm 10km nên đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí di chuyển. Chưa kể, vì hàng tháng cũng đều đặn gửi tiền sinh hoạt cho bố mẹ 2 bên nên dịp Tết này, vợ chồng Linh chỉ định lì xì mỗi bên 5 triệu đồng.

"Năm đầu về làm dâu, mình cũng cố gắng vun vén, lì xì bố mẹ mỗi bên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, vì kinh tế năm nay khó khăn, thu nhập bấp bênh nên mình dự tính sẽ lì xì cho bố mẹ ít hơn 1 chút. Mình cũng muốn sau Tết không phải rơi vào cảnh "rỗng túi" vì lương thưởng của 2 vợ chồng cũng không đáng là bao, mà chưa biết năm nay có thưởng hay không.

Ngoài ra, khi mua quà biếu hoặc thực phẩm mặn cho ngày Tết, mình cũng sẽ mua thêm một ít rồi gửi thêm cho bố mẹ" - Nhật Linh nói.

2. Gia đình Nguyễn Thu (32 tuổi, 1 con nhỏ 2 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội)

Chi tiêu Tết: Tranh thủ hết các đợt sale để mua sắm, cặp vợ chồng trẻ quyết chi không quá 20 triệu đồng- Ảnh 2.

Trái ngược với gia đình Nhật Linh, 2 vợ chồng Nguyễn Thu đều ở xa, chưa kể mỗi người 1 quê lại có thêm con nhỏ nên các khoản chi tiêu còn nhiều hơn. Tuy nhiên, Nguyễn Thu cho biết cô cũng chỉ chi tiêu tối đa là 20 triệu đồng. Các khoản chi phí muốn như: quần áo, giày dép,... đều cắt bỏ.

"Thực ra với kế hoạch này, mình đã giảm bớt chi phí mua sắm tới gần 60% so với mọi năm. Mỗi dịp Tết, nhà mình có thói quen tụ tập ăn uống rất nhiều nên cũng chưa biết liệu số tiền này có đủ không. Tuy nhiên, mình cũng sẽ cố gắng chi tiêu trong mức 20 triệu đồng, cùng lắm tăng lên mức 25 triệu đồng. Về cơ bản là do chi phí đi lại 2 bên nội - ngoại đã tốn 1 khoản kha khá, chứ mình đã rất hạn chế mua sắm rồi" - Nguyễn Thu chia sẻ.

Ngoài ra, Thu cũng cho biết, tuy muốn biếu ông bà nội ngoại tiền sắm Tết nhiều hơn 1 chút để không quá chênh lệch so với mọi năm, nhưng căn chỉnh lên xuống vẫn thấy khá đắn đo. Vì năm nay cả gia đình làm ăn kém hơn rất nhiều.

"Chồng mình làm IT, thu nhập bình quân cũng tạm ổn và là trụ cột chính trong nhà. Nhưng gần đây mới bị mất việc, lại chưa biết khi nào có thể tìm được việc mới nên mình đành phải thắt chặt nhất có thể", Thu tâm sự.

Nỗ lực giảm chi bằng cách tranh thủ "săn sale", tận dụng đồ có sẵn

Chi tiêu Tết: Tranh thủ hết các đợt sale để mua sắm, cặp vợ chồng trẻ quyết chi không quá 20 triệu đồng- Ảnh 3.

Vì dự định cắt giảm tới mức tối đa các khoản chi nên tiêu chí khi mua sắm của Nguyễn Thu cũng sẽ thay đổi rất nhiều. Chi phí dành cho việc mua sắm quần áo ngày Tết bị cắt hoàn toàn, kể cả đồ của con.

"Quần áo của những ngày lễ Tết mình thường mua cho con khá rộng nên mình cũng dự tính nếu đồ còn mới, chưa bị chật thì vẫn có thể cho con mặc lại đồ của năm ngoái. Còn lại, mình và chồng sẽ tận dụng tạm đồ cũ, không mua mới.

Về đồ sắm Tết, mình sẽ đặt trước qua sàn thương mại điện tử. Vì hầu hết là đồ có thể để lâu nên sắm dần từ giờ cũng không sao. Chưa kể có thể săn được mã giảm giá thì cũng tiết kiệm được thêm 1 chút.

Vì cũng có thể tự lầm giỏ quà được nên chắc mình cũng sẽ không mua sẵn ở bên ngoài nữa. Tự làm tuy mất thời gian 1 chút nhưng tiết kiệm được nhiều và đồ cũng đảm bảo hơn" - Nguyễn Thu nói.

Mặt khác, Nhật Linh cũng đang sắm đồ Tết dần vì lo lắng gần Tết, giá cả các mặt hàng sẽ tăng. Cô cũng tận dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại sâu thông qua các ngày 11/11 hoặc 12/12,... Linh lựa chọn những mẫu dễ mặc, đơn giản, màu sắc cơ bản để dễ mix đồ vì với số tiền đó, cô sẽ không mua được nhiều đồ cho 2 vợ chồng.

"Thời gian mua sớm thì quần áo cũng đẹp và nhiều mẫu mã hơn. Tuy mua đồ giảm giá nhưng mình cũng cố gắng chọn lọc kĩ các món đồ dễ phối để thay đổi linh hoạt.

Còn lại, với chi phí đồ ăn, mình cho rằng nhu cầu đó cho cả gia đình là đủ. Nhà mình ăn khá ít nên năm ngoái sắm nhiều lại phải bỏ đi nhiều. Mình cũng đã lên danh sách chi tiết những thứ cần mua để không bị vượt quá ngân sách rồi. Mọi thứ xong xuôi và giờ chỉ việc sắm dần theo danh sách đó là ổn" - Linh cho biết.

Mặc dù Tết là dịp có thể chi tiêu thoải mái nhưng vì năm tới, cả 2 vợ chồng có kế hoạch sinh em bé nên muốn tiết kiệm 1 khoản. Riêng tiền thưởng Tết của 2 vợ chồng, Nhật Linh tính sẽ không đụng vào mà gửi tiết kiệm luôn.

"Ai cũng muốn có 1 cái Tết đầm ấm, đầy đủ nhưng gia đình mình ít người, nhu cầu vui chơi, giải trí hay ăn uống lại không nhiều nên mình chọn cách chi tiêu vừa đủ, để không bị phung phí tiền bạc" - Nhật Linh nói thêm.

Theo Lam Anh

Phụ nữ số

Trở lên trên