Chi trăm tỷ để nâng cấp, các cảng cá lớn ở Huế và Quảng Trị hoạt động ra sao?
Được chi hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp nhưng các cảng các ở Huế và Quảng Trị cái thì chậm tiến độ, cái có nguy cơ đóng cửa.
- 20-03-2023Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): 4 nhóm chính sách được đề cập
- 20-03-2023Diện mạo thành phố trực thuộc tỉnh thu ngân sách cao nhất cả nước, bỏ xa Hạ Long - gần bằng Đà Nẵng
- 20-03-2023Doanh nghiệp 'né' đóng bảo hiểm xã hội: Người lao động thiệt thòi
Các dự án cảng cá ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cùng có một điểm chung là đều được đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhưng vì những lý do khác nhau mà hai cảng cá ở Quảng Trị đứng trước nguy cơ đóng cửa, trong khi đó tổ hợp dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tiếp chậm tiến độ.
Hai cảng cá lớn nhất Quảng Trị trước nguy cơ đóng cửa
Tại tỉnh Quảng Trị, cảng cá Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) và cảng cá Nam Cửa Việt (huyện Triệu Phong) là 2 cảng cá chỉ định cho tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng. Tuy nhiên, cả 2 chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Dù được chi đến 50 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa nhưng lại không có hạng mục hệ thống xử lý nước thải khiến cảng cá Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đứng trước nguy cơ đóng cửa do không đủ điều kiện hoạt động.
Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải của cảng cá Cửa Tùng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2008. Hệ thống gồm bể chứa 70m³ chia làm nhiều ngăn, với công nghệ cũ, lạc hậu. Tương tự, hệ thống xử lý nước thải của cảng cá Nam Cửa Việt xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2001 với bể chứa 50m³. Ở cảng cá này, hệ thống xử lý nước thải cũng dùng công nghệ xưa cũ như ở Cảng cá Cửa Tùng. Hiện tại, sau nhiều năm hoạt động, hệ thống này cũng không thể đáp ứng được việc xử lý nước thải.
Năm 2019, tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng phê duyệt dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng từ nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại do dự cố môi trường biển.
Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng; dự án nâng cấp, sửa chữa Cảng cá Cửa Tùng có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải ở hai cảng cá này lại không nằm trong danh mục các hạng mục được đầu tư nâng cấp.
Hệ thống xử lý nước thải của cảng cá Cửa Việt và Cửa Tùng hiện không thể đáp ứng được việc xử lý nước thải và không đạt chuẩn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Qua kiểm tra thực địa, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị kết luận cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Hai cảng cá này chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải theo các Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ông Lê Văn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị cho hay: “ Hệ thống xử lý nước thải không được xây dựng thì theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 cảng cá không được cấp giấy phép hoạt động, từ đó cảng cá bắt buộc phải đóng cửa. Cảng cá đóng cửa thì ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân kinh doanh sản xuất trong khu vực cảng cá cũng như hoạt động chống khai thác IUU bởi đây là 1 trong 2 cảng cá chỉ định tàu từ 15m phải cập cảng này ”.
Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị có công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị ưu tiên đầu tư xây dựng Hệ thống xử lý nước thải tại 2 cảng cá này nhằm đảm bảo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên theo chủ đầu tư dự án nâng cấp 2 cảng cá lý giải thì số tiền hơn 300 tỷ từ nguồn đền bù sự cố môi trường biển không đủ để xây dựng hạ tầng cơ bản của các cảng cá, vì vậy các hạng mục còn lại theo quy hoạch được duyệt tỉnh đang tìm kiếm nguồn vốn khác để thực hiện.
Doanh nghiệp tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bị đình chỉ hoạt động do chưa thể kết nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của cảng cá Cửa Tùng.
Đến tháng 6/2023 là thời hạn cuối để bàn giao và đưa vào sử dụng cảng cá Cửa Tùng. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải không được đầu tư xây dựng, cảng sẽ không được cấp giấy phép môi trường, đồng nghĩa với việc cảng cá đứng trước nguy cơ bị tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân cũng như các doanh nghiệp hoạt động tại cảng cá.
Ông Nguyễn Như Ngọc - Đại diện Công ty TNHH MTV Tuấn Ngọc Cửa Tùng (đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực cảng cá Cửa Tùng) chia sẻ: “ Nếu như không được cấp giấy phép xả thải, không đảm bảo môi trường thì công ty sẽ có nguy cơ bị đình chỉ hoạt động. Mong muốn hệ thống thu gom, xử lý nước thải của cảng cá được hoàn thành sớm để hệ thống nước thải của công ty xả thải vào hệ thống để khỏi ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu hàng hóa của công ty ”.
3 cảng cá 400 tỷ đồng ở Huế chậm tiến độ
Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế do Sở NN&PTNT tỉnh này làm chủ đầu tư, gồm có 3 dự án thành phần: Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão tại phường Thuận An, TP Huế; Nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang và Cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão tại xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) tổng mức đầu tư 3 dự án thành phần là 400 tỷ đồng từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển.
Mục tiêu dự án nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá như xây dựng nhà phân loại cá, bến cập tàu chắn sóng, nạo vét luồng lạch…; tạo ra thêm các vùng cho thuyền cá neo đậu, tránh trú bão và cung cấp hậu cần nghề cá.
Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế bị chậm tiến độ phải gia hạn nhiều lần.
Dù được triển khai thực hiện từ năm 2019, dự kiến ban đầu là hoàn thành vào cuối năm 2021, nhưng dự án liên tục bị chậm tiến độ khiến phải gia hạn nhiều lần. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị và được Chính phủ gia hạn hoàn thành trong năm 2022.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khiến đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành như dự kiến. Vì thế, tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục đề nghị được lùi thời gian hoàn thành vào cuối năm 2023.
Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình, Sở NN&PTNT cho biết, trong 3 dự án thành phần thì dự án Cảng cá Tư Hiền (vốn đầu tư 148 tỷ đồng) đang chậm nhất, hiện hực hiện khoảng 78% khối lượng trên công trường.
Dự án Cảng cá Thuận An (vốn đầu tư 220 tỷ đồng) hiện cơ bản hoàn thành, lý do chậm là do đang xin tỉnh thực hiện các công trình dự phòng với tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng. Riêng khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (vốn đầu tư 32 tỷ đồng) hoàn tất mặt bằng, hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao để đi vào sử dụng.
Cảng cá Thuận An dù cơ bản hoàn thành vẫn chưa thể đi vào hoạt động do còn xin thực hiện các công trình dự phòng với tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng.
Lãnh đạo Phòng Quản lý và Xây dựng công trình Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế cho rằng, gói thầu tuyến đê chắn sóng phía Bắc Cảng cá Tư Hiền do Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô làm thầu chính, khối lượng công việc còn lại đến 25%, chậm nhất so với các đơn vị thực hiện.
“ Công trình này chậm tiến độ là do nhiều nguyên nhân, từ năng lực nhà thầu, đến phương án thi công không hợp lý và chưa kịp thời. Đặc biệt, tuyến đường công vụ ở gói thầu này bị sóng biển đánh hư hỏng nhiều lần, ảnh hưởng lớn thời gian thi công.
Bên cạnh đó, vấn đề vướng mặt bằng là diện tích mặt nước của 55 hộ dân khiến cho dự án này chậm tiến độ. Nguyên nhân do chưa xây dựng đơn giá đền bù thống nhất trên cả tỉnh nên việc áp giá đền bù hiện còn đang phải chờ ”, ông Phúc nói.
Về tổng thể cả 3 dự án, ông Phúc cho biết, dù chủ đầu tư đã liên tục đốc thúc, nhưng vì biến động tăng giá vật tư, vật liệu; thủ tục từ tỉnh đến Trung ương bị chậm cho nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thời gian.
“ Chúng tôi cũng muốn bàn giao công trình sớm lắm, nhưng thực tế không cho phép. Đã qua 2 lần điều chỉnh xin gia hạn lùi thời gian, nhưng vẫn chậm 2 năm nên giờ phải đặt mục tiêu toàn bộ 3 dự án thành phần phải xong trước 31/12/2023 ”, ông Phúc cho biết.
VTC News