MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ vài năm tới, có thể bạn sẽ không còn nhìn thấy cửa hàng Thế Giới Di Động nào nữa

10-06-2016 - 11:34 AM | Doanh nghiệp

Bước chuyển của TGDĐ cũng là lời cảnh báo cho toàn bộ hệ thống bán lẻ di động tại Việt Nam. Trong khi FPT Shop vẫn đang hân hoan khoe thành tích mở 2 ngày một shop thì đối thủ lớn nhất của họ, cũng là doanh nghiệp lớn nhất thị trường đã tính kế thay đổi.

Khi ông Nguyễn Đức Tài, nhà sáng lập kiêm CEO của Thế Giới Di Động tuyên bố: “Chúng tôi sẽ mở một sàn thương mại điện tử vào cuối năm nay”, hầu hết nhà đầu tư tin rằng, đây là bước đi đúng đắn, giúp Thế Giới Di Động phủ rộng khắp thị trường bán lẻ di động, nhất là khi hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp này đã bắt đầu rơi vào trạng thái bão hòa.

Hiện tại, doanh thu điều kiện để mở một cửa hàng Thế Giới Di Động đã giảm từ mức 3 tỉ đồng/tháng xuống chỉ còn 1,5 tỉ đồng/tháng. Điều này cho thấy, thị trường đã không còn nhiều “đất” để TGDĐ phát triển.

Trong khi đó năm ngoái, doanh thu của TGDĐ từ bán hàng online đã đạt hơn 1.300 tỉ đồng, tiếp tục tăng trưởng mạnh. Việc mở rộng mảng online được hy vọng sẽ bù đắp doanh thu cho mảng offline (mua trực tiếp qua cửa hàng) vốn đang bão hòa.

Nhưng khoan. Suy nghĩ này có một lỗ hổng chết người. Đó là dường như các nhà đầu tư đang ngộ nhận việc bán điện thoại online và offline là hai mảng kinh doanh tách biệt, không liên quan đến nhau.

Thực tế thì sao? Thế Giới Di Động vẫn chỉ đang bán điện thoại mà thôi, và quy mô thị trường này chỉ có vậy. Với việc mở ra sàn TMĐT bán di động online, DN này đang tự “ăn thịt” chính mảng kinh doanh offline là hệ thống cửa hàng của mình. 1.300 tỉ đồng doanh thu từ bán hàng online của TGDĐ năm 2015 nghe có vẻ to, nhưng để có được con số này, có thể là mảng kinh doanh offline đã mất 1.500 tỉ đồng.

Sự mâu thuẫn giữa mô hình online và offline đã được bản thân ông Nguyễn Đức Tài nhìn ra từ lâu.

“5 năm trước, Thế Giới Di Động có mô hình mua online rẻ hơn offline nhưng sau một thời gian, mô hình này trở nên rất mâu thuẫn, bởi khách hàng sẽ không bao giờ ra các cửa hàng mua chiếc điện thoại có giá 15 triệu trong khi chỉ cần ngồi nhà đặt hàng lại mua được với giá 14,5 triệu. Chính vì vậy, Thế giới di động đã bỏ mô hình này”, ông Tài cho biết.

Vậy tại sao đến thời điểm này, sau 5 năm, ông Tài lại quyết định trở lại và đẩy mạnh mô hình có thể gây nguy hại cho toàn bộ hệ thống cửa hàng của mình?

Câu trả lời đó là Thế Giới Di Động đã nhìn thấy họ sẽ sớm không thể “cưỡng” lại sự thoái trào của mô hình bán lẻ di động. Cách đây 5 năm, ưu thế giúp TGDĐ có thể bán giá cao đó là điểm tựa chất lượng phục vụ, dịch vụ hậu mãi tốt. Tuy nhiên, 5 năm sau, đó lại trở thành “con dao hai lưỡi” khi chi phí để duy trì hệ thống cửa hàng, nhân viên phục vụ ngày càng tốn kém, trong khi các hệ thống điện máy khác, như FPT Shop cũng có thể cung cấp chất lượng dịch vụ tương tự.

Tư vấn tốt cho khách hàng? Hỗ trợ bảo hành, đổi trả? Hay hỗ trợ cài đặt? Bạn sẽ lựa chọn những điều này, hay chọn một chiếc điện thoại giá rẻ hơn 500.000 đồng? (Tất nhiên là vẫn cùng một chiếc). Với việc người tiêu dùng ngày càng thông thái và am tường hơn về công nghệ, lựa chọn số 2 đang ngày càng khả dĩ hơn.


Có thể vài năm nữa, chúng ta sẽ không còn chứng kiến nhiều cửa hàng TGDĐ trên đường nữa.

Có thể vài năm nữa, chúng ta sẽ không còn chứng kiến nhiều cửa hàng TGDĐ trên đường nữa.

Đấy là chưa kể, việc cắt giảm chi phí và bán rẻ hơn còn có thể giúp TGDĐ gia tăng biên lợi nhuận, vốn đã rất mỏng do đặc thù của ngành.

“Mô hình bán hàng online sắp tới đây sẽ có cách phục vụ hoàn toàn khác, nhưng chắc chắn là giá sẽ rẻ hơn”, ông Tài nhận định.

Rõ ràng, những lợi điểm mà cửa hàng TGDĐ hiện có đang ngày càng kém và trong tương lai gần, nó sẽ không thể so được với lợi thế về giá. Và chúng ta đều biết, khi các nhãn hàng phải cạnh tranh với nhau về giá, nghĩa là họ chẳng còn gì khác để cạnh tranh.

Khi mô hình này ra mắt, cơ cấu doanh thu bán lẻ điện thoại của TGDĐ sẽ thay đổi: mảng online sẽ tăng lên, offline dần giảm xuống. Trong tương lai, khi người tiêu dùng bắt đầu quen với việc bán hàng online, thì các cửa hàng offline cũng sẽ dần dần biến mất, hoặc được thu gọn quy mô.

Đây chắc chắn là lựa chọn khó khăn của Thế Giới Di Động khi phải làm sao để duy trì cho mảng online cũng bán tốt như mảng offline. Mặc dù vậy, nó tỏ ra là chiến lược đúng đắn, đặc biệt là khi TGDĐ đang tiến hành dịch chuyển rất nhanh. Sàn TMĐT dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2017, nhanh hơn 1 năm so với dự báo Thị trường bán lẻ di động bão hòa (2018).

Bước chuyển của TGDĐ cũng là lời cảnh báo cho toàn bộ hệ thống bán lẻ di động tại Việt Nam. Trong khi FPT Shop vẫn đang hân hoan khoe thành tích mở 2 ngày một shop thì đối thủ lớn nhất của họ, cũng là doanh nghiệp lớn nhất thị trường đã tính kế thay đổi.

Theo Trang Lam

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên