MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ vì họ quá hiếm, làm giấy tờ hay mua vé máy bay đều không được, cả làng đồng loạt đổi thành họ 'Vịt'

27-04-2023 - 17:38 PM | Tài chính quốc tế

Tại ngôi làng dân tộc thiểu số Lật Túc ở Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, dân làng coi chim là vật tổ của mình, có họ phát âm là 'Nia', có ý nghĩa liên quan đến loài chim, và hơn 100 người dân trong làng đều mang họ này.

Tuy nhiên, những người có họ này mới đây đã phải đổi thành họ "Ya" (nghĩa là 'vịt' trong tiếng Trung Quốc) vì họ "Nia" không thể nhập ký tự và hiển thị trên máy tính.

Chỉ vì họ quá hiếm, làm giấy tờ hay mua vé máy bay đều không được, cả làng đồng loạt đổi thành họ Vịt - Ảnh 1.

Những người dân làng Lật Túc có họ "Nia" mới đây đã phải đổi thành họ "Ya" (nghĩa là 'vịt' trong tiếng Trung Quốc) vì họ "Nia" không thể nhập ký tự và hiển thị trên máy tính. Ảnh: Sohu

Theo trang tin SD China, vào cuối tuần trước, tin tức "cả làng phải đổi họ thành Ya" đã trở thành tin nóng trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc, thu hút 140 triệu lượt xem.

Ya Xingui - một người dân 25 tuổi trong làng – nói: "Vì máy tính thiếu ký tự này [Nia] nên hệ thống không thể nhận ra nó. Nếu bạn không thay đổi nó, bạn thậm chí không thể đi máy bay, tàu hỏa hay mua bất kỳ loại vé nào".

Ya Zhenggao – một người dân 40 tuổi trong làng - nhớ lại rằng, trước đây khi mới 10 tuổi, họ "Nia" vẫn xuất hiện trên căn cước công dân của mình; nhưng sau này, khi đi lấy giấy đăng ký xe máy, ông phát hiện ra rằng họ của mình đã bị đổi thành "Ya". Đến nay, ông vẫn giữ căn cước công dân bản gốc với họ "Nia" viết tay.

Ya Zhenggao cũng nói rằng, vì "Ya" không thể truyền đạt ý nghĩa thực sự của họ "Nia" nên những đứa trẻ sinh ra sau này đều lấy họ của mẹ chúng.

Sau khi biết vấn đề của cả làng đã được rất nhiều người biết đến, Ya Zhenggao rất vui mừng và nói rằng, ông hi vọng "vấn đề của họ có thể được giải quyết ổn thỏa".

Trung Quốc mã hóa các ký tự tiếng Trung hiếm gặp

Theo trang tin SD China, vào ngày 20/4, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho ra mắt một chương trình nhỏ trên mạng xã hội WeChat để thu thập các ký tự tiếng Trung hiếm gặp. Chương trình sẽ thu thập các ký tự không thể nhập vào bằng máy tính và tải chúng lên thư viện ký tự để có thể sử dụng vào mục đích hiển thị sau này. Thông qua chương trình này, người dùng có thể chụp ảnh và tải lên các ký tự hiếm gặp.

Sau khi ra mắt, chương trình đã nhận được hơn 630.000 lượt truy cập vào ngày đầu tiên, và người dùng đã gửi lên 1.404 ký tự hiếm gặp. Sau khi được các chuyên gia xem xét và phê duyệt, các ký tự hiếm gặp sẽ được mã hóa và nhập vào thư viện ký tự tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc, cuối cùng sẽ có thể nhập liệu và hiển thị mà không gặp vấn đề trên các thiết bị và hệ thống thông tin như máy tính và điện thoại di động.

Chỉ vì họ quá hiếm, làm giấy tờ hay mua vé máy bay đều không được, cả làng đồng loạt đổi thành họ Vịt - Ảnh 2.

Dân làng Lật Túc hi vọng vấn đề của họ có thể được giải quyết ổn thỏa. Ảnh: Sohu

Zeng Yu - Phó chủ tịch Tencent, tập đoàn sở hữu WeChat - cho biết, "việc số hóa các ký tự Trung Quốc hiếm gặp là một dự án có hệ thống. Công ty chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề thông qua tập hợp các chương trình nhỏ, hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho mọi người trong tương lai".

Để thúc đẩy các thay đổi về phần cứng và phần mềm, Sogou Input Methods cũng đã đưa ra "Giải pháp một cửa". Cơ sở dữ liệu chứa 90.000 ký tự tiếng Trung trong một thư viện ký tự tiêu chuẩn mới và chứa các ký tự hiếm thông qua việc phân tách phông chữ, đồng thời cung cấp kiểu nhập chữ viết tay, nét chữ và bính âm (phiên âm). Cho đến nay, chương trình này đã được áp dụng trong lĩnh vực tài chính, chăm sóc y tế, giao thông công cộng và các dịch vụ công cộng khác tại Trung Quốc.

Sun Wenlong - Phó giám đốc Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc - cho biết, viện đã đi đầu trong việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc về Bộ ký tự mã hóa Trung Quốc cho công nghệ thông tin, có nghĩa là tất cả các cơ quan hành chính, sản phẩm và hệ thống dịch vụ công của Trung Quốc phải tuân thủ tiêu chuẩn này. Việc này sẽ giúp xóa bỏ một cách hiệu quả những rào cản do các ký tự hiếm gặp gây ra.

Theo trang tin SD China, do tiêu chuẩn quốc gia mới của Trung Quốc sẽ được triển khai vào tháng 8 tới, nên chương trình thu thập các ký tự tiếng Trung hiếm gặp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tiêu chuẩn mới.

Theo thống kê, Trung Quốc hiện có 60 triệu tên người và địa danh, sách cổ và phương ngữ chứa các ký tự hiếm gặp, nhưng hầu hết chưa được số hóa.

Theo Hữu Hiển

Thể thao & Văn hoá

Trở lên trên