MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chia sẻ bí quyết dạy con, parent coach Linh Phan: Mẹ hạnh phúc, con mới hạnh phúc

11-08-2020 - 19:07 PM | Sống

Hãy hiểu rằng mỗi người có quan điểm khác nhau về nuôi dạy một đứa trẻ là hoàn toàn bình thường. Quan trọng là ai cũng muốn tốt cho đứa bé, nhưng mỗi người là có một quan niệm khác nhau về cái sự tốt đó. Dẫu sao, con mình vẫn là con mình và bạn mới là người quyết định cuối cùng.

Là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, chị Linh Phan đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Hiện tại, chị cũng là người sáng lập dự án Raised Happy với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà.

Quan niệm của chị là mẹ hạnh phúc, con mới hạnh phúc. Nếu một người mẹ không quan tâm, chăm sóc bản thân mình thì sẽ không biết cách dạy con mình sống lạc quan, vui vẻ với cuộc đời. Làm mẹ tất nhiên không dễ, là chính bản thân mình cũng chẳng dễ, vì thế, những người phụ nữ ơi, hãy cứ học dần dần để trở thành tấm gương cho con noi theo.

"Để bắt đầu bài viết có thể sẽ hơi lan man một chút này, mình muốn nhắc về một quy tắc trên máy bay mà nhiều nhà tâm lý học đã khuyến khích phụ huynh áp dụng trong quá trình nuôi dạy con cái: "Trước tiên hãy đeo mặt nạ oxy cho chính mình, và sau đó mới tới lượt đứa trẻ".

Mình tin vào điều này: Nếu chúng ta không nhận oxy đủ và đúng lúc, cả ta và con sẽ đều ngạt thở. Ngay cả ở trong những tình huống nguy hiểm nhất, hãy luôn nhớ một điều là, chỉ khi bạn an toàn và bình tĩnh, bạn mới có thể mang tới sự an toàn và bình tĩnh cho con.

3 ngày liên tiếp, mình nhận được những câu hỏi giống hệt nhau của 3 bà mẹ không hề quen biết. Họ nói "Em/Chị sợ chia tay sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con" dù bản thân bị chồng đánh đập, không tôn trọng hoặc không hề có trách nhiệm tham gia nuôi dạy con cái.

Khi đã có cơ hội trò chuyện với khoảng hơn 1000 người mẹ trong suốt gần 2 năm qua, mình nhận ra 90% những người mẹ mình từng tư vấn, đều vô thức muốn ưu tiên, bảo vệ cho con mình, cho gia đình mình trước. Và quên đi bản thân mình.

Chia sẻ bí quyết dạy con, parent coach Linh Phan: Mẹ hạnh phúc, con mới hạnh phúc - Ảnh 1.

Nói thì dễ như vậy, nhưng thật sự là: Dù bạn có làm mẹ lần đầu hay lần thứ n. Dù bạn nuôi một đứa trẻ khỏe mạnh ưu tú hay một đứa trẻ không may gặp vấn đề về phát triển. Dù bạn sinh đơn, sinh đa, có một hay có nhiều con. Dù bạn lành lặn đủ đầy hay khuyết tật, thiếu thốn. Rất nhiều người mẹ trong số chúng ta vẫn không thể quan tâm đủ tới chính bản thân mình.

Điều này thật ra, là khá tệ.

Rất nhiều người mẹ khi trở thành mẹ đã rất cố gắng để trở thành người mẹ tốt, người vợ tuyệt vời, và tới lúc nào đó quên đi chính mình. Bản thân ốm không đi khám nhưng con mới hắt hơi sổ mũi là sấp ngửa mang ngay đi bệnh viện. Bản thân 5 năm trời có khi vẫn mặc một chiếc áo, đi một đôi giày nhưng đứa trẻ tháng nào cũng có thêm một thứ gì đó mới. Bản thân có những ước mơ sở thích riêng, nhưng lại bỏ qua vì còn phải ưu tiên cho chồng cho con.

Nhiều người mẹ gặp vấn đề về thể chất và cả tinh thần. Nhiều người mắc chứng đau mãn tính. Nhiều người bị trầm cảm nhưng không được điều trị. Nhiều người bỏ bê những nhu cầu sinh lý cơ bản (quên ăn, quên ngủ, đầu bù tóc rối). Không hẳn những hi sinh và ưu tiên ấy luôn là điều tốt. Không hẳn khi bạn làm như vậy tức là bạn sẽ trở thành một người mẹ tốt.

Một người mẹ không chỉ cần nghỉ ngơi hay ngủ đâu, chúng ta cần dành thời gian cho bản thân. Dành thời gian cho bản thân cũng không phải có nghĩa là để bạn đi mua sắm, làm đẹp đâu. Thời gian cho bản thân, là khi bạn có thể ở một mình với thế giới nội tâm của bạn.

LÀM SAO ĐỂ TÔI YÊU BẢN THÂN MÌNH HƠN?

Hôm nay, hãy thử thay đổi suy nghĩ của bản thân một chút đi. Thay vì nghĩ rằng "mình phải" làm gì đó, hãy nghĩ "mình muốn", "mình yêu" thứ gì đó. Thay vì nghĩ làm mẹ tốt có nghĩa là phải quay cuồng như con hamster chạy trong bánh xe, hãy nghĩ mình nên dừng lại và đòi hỏi điều gì đó cho riêng mình. Thay vì nghĩ "mình phải chơi với con", hãy nghĩ "mình thích chơi với con". Ý nghĩ "mình phải" sẽ vắt kiệt năng lượng và tinh thần của bạn. Hãy nghĩ đến điều bạn thực sự muốn và cho phép mình nói không khi bản thân không muốn. Con cái chắc sẽ thích nhìn thấy mẹ chúng vui vẻ tích cực hơn là trong vai bà mẹ anh hùng với đôi tay không nghỉ, đôi vai mệt nhoài và gương mặt nhăn nhó.

Chia sẻ bí quyết dạy con, parent coach Linh Phan: Mẹ hạnh phúc, con mới hạnh phúc - Ảnh 2.

SỰ KHÁC BIỆT VỀ QUAN ĐIỂM NUÔI DẠY CON CÁI LÀ HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG

Khi một đứa trẻ ra đời, mâu thuẫn trong gia đình dường như cũng tăng lên. Nếu không thể kiềm chế những tranh luận xoay quanh lý thuyết của những lựa chọn cho việc tiêm chủng, bú mớm, ăn uống, ngủ nghỉ... thì người mẹ càng cảm thấy nặng nề hơn. Hãy hiểu rằng mỗi người có quan điểm khác nhau về nuôi dạy một đứa trẻ là hoàn toàn bình thường. Quan trọng là ai cũng muốn tốt cho đứa bé, nhưng mỗi người là có một quan niệm khác nhau về cái sự tốt đó. Dẫu sao, con mình vẫn là con mình và bạn mới là người quyết định cuối cùng.

ĐỪNG NGHĨ BẠN CHỈ LÀ MỘT NGƯỜI MẸ

Hãy nhớ trước khi làm mẹ và cả trong khi làm mẹ, bạn còn nhiều vai trò khác. Trong một khóa đào tạo, thầy giáo tâm lý của mình có yêu cầu những người tham gia viết ra danh từ để trả lời câu hỏi "tôi là ai". 13/15 câu trả lời được bắt đầu là "Tôi là một người mẹ".

Nhiều người mẹ thay đổi tên mình bằng cách gọi "Mẹ Nấm", "Mẹ Xíu", "Mẹ Voi". Họ không nói với thế giới điều gì khác về bản thân ngoại trừ họ là mẹ của ai đó.

Nhưng làm mẹ không phải việc duy nhất định nghĩa bạn là ai. Chúng ta có thể sống cùng con cái nhưng chúng rồi sẽ lớn lên và rời xa cha mẹ. Chúng ta sẽ là ai hay lại tiếp tục có tên "Mẹ của giáo sư", "Mẹ của trợ lý", "Mẹ chồng của CEO"...?

Chia sẻ bí quyết dạy con, parent coach Linh Phan: Mẹ hạnh phúc, con mới hạnh phúc - Ảnh 3.

Có lẽ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của những người mẹ đó là tiêu diệt lũ "sâu bọ" đã trú ngụ trong đầu bạn bấy lâu nay. Cái lũ ngăn cản không cho bạn tự giao tiếp với chính mình.

Đã tới lúc thể hiện cảm xúc của mình một cách chân thành hơn. Không phải là "làm sao để tôi cáng đáng được hết những việc này" mà là "tôi thực sự mệt mỏi như thế nào".

Không phải là "để tôi yên" mà là "tôi cần ở một mình".

Không phải là "đừng có hét lên nữa" mà là "mẹ không khích khi con hét to".

Không phải là "không có gì" mà là "em buồn/mẹ buồn".

Không phải là "tôi thật bất lực/kém cỏi" mà là "tôi là một người mẹ tốt".

Mà một người mẹ tốt, sẽ luôn nhớ phải đeo mặt nạ oxy cho mình trước."

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên