Chia sẻ của một cán bộ đã qua 25 năm tuổi nghề: Làm ngân hàng thời nào cũng cần cái tâm
Tôi làm cán bộ kế toán, gắn bó với BIDV đã hơn 25 năm, từ những ngày đầu còn biển hiệu Vietindebank, cho đến bây giờ là cái tên BIDV.
- 24-08-2017Nhờ quyết tâm từ bỏ ngân hàng cũ, tôi nhận ra rằng thay đổi không phải là làm lại mà là tiến xa hơn
- 24-08-2017Làm ngân hàng: Nếu bạn chưa dám dấn thân, chưa dám bắt đầu thì ước mơ thật đẹp vẫn mãi chỉ là những ước mơ
- 23-08-2017Vào nghề với KPI 20 tỷ huy động và 36 tỷ cho vay, tôi đã suýt bỏ việc từ tháng thứ 2
LTS: Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết " Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.
Dưới đây là bài dự thi của độc giả Lương Thị Bạch Yến hiện công tác tại BIDV Nghệ An.
--------------------
Nhớ ngày đầu về làm việc tại phòng kế toán BIDV Nghệ An với công việc hoàn toàn thủ công từ ghi sổ kế toán, đến lên sổ cái tổng hợp ra cân đối chỉ với bàn tính gỗ rồi đến máy tính NISA quay tay thế mà công việc đâu ra đấy, cuối ngày là cân hết sổ sách; kế toán, thủ quỹ là hai bộ phận tách bạch nhau (kế toán hạch toán, thủ quỹ thu/chi tiền). Cán bộ kế toán trực tiếp quản lý tài khoản và giao dịch với khách hàng: từ khâu tiếp xúc, tiếp nhận yêu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, hướng dẫn thủ tục giao dịch, mở tài khoản, gửi tiền, rút tiền, thanh toán, chuyển tiền, giải ngân, thu nợ.... Chuyển tiền thì bằng thư, đối chiếu bằng thư nên công việc rất chậm trễ, để chuyển một món tiền đi ngoại tỉnh phải mất cả tuần. Thanh toán bù trừ trên địa bàn thì phải qui định giờ để các ngân hàng trên địa bàn gặp nhau tại NHNN để giao nhận chứng từ, chúng tôi vẫn thường đùa nhau là “đi họp chợ”.
Tiếp xúc giao dịch trực tiếp với khách hàng, chỉ tâm niệm làm thế nào hạch toán cho đúng, chính xác, chuyển tiền đi đúng địa chỉ. Kế toán luôn tuân thủ qui tắc: “Đầu đội nguyên tắc, vai mang chứng từ”, chưa có câu chuyện cạnh tranh, đối thủ…. Mô hình lúc bấy giờ là hạch toán phân tán, quản lý cũng phân tán. Vui lắm những đêm cuối năm quyết toán làm báo cáo, tìm sai sót, cân sổ sách,… mùi cháo gà thoang thoảng thơm quyện với mùi lá chanh….
Và bây giờ chuyển sang hiện đại hoá theo mô hình TA2: hạch toán phân tán, quản lý tập lý trung với công nghệ hiện đại chuyển tiền online, hạch toán tự động, khách hàng có thể không phải đến các quầy ngân hàng để giao dịch mà ở bất kỳ nơi đâu có kết nối Internet khách hàng đều có thể thực hiện giao dịch thanh toán, nhờ thu, nhờ chi hộ, quản lý dòng tiền, nộp ngân sách nhà nước, sao kê tài khoản online...... Phòng tài chính kế toán cũng thay đổi theo, không còn giao dịch trực tiếp với khách hàng nữa mà quản lý và thực hiện công tác hạch toán kế toán chi tiết, kế toán tổng hợp. Hậu kiểm đối với hoạt động tài chính kế toán của chi nhánh như đối chiếu, kiểm tra toàn bộ chứng từ kế toán phát sinh từ các giao dịch hạch toán tự động tại các phòng thuộc trụ sở chi nhánh. Quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ báo cáo, tài khoản kế toán tổng hợp tại chi nhánh.
Hạch toán tự động cũng chiếm tương đối lớn trong tổng giao dịch hằng ngày, nên công việc kế toán cũng đòi hỏi chi li, tỉ mẩn hơn do phải đối chiếu với đủ loại báo cáo. Những ngày đầu mới chuyển sang thực hiện hiện đại hoá, chúng tôi rất bỡ ngỡ do phần lớn là hạch toán tự động nên khi xem báo cáo không biết đồng tiền đi đâu về đâu, em nào chọn sai mã sản phẩm, hạch toán lùi ngày giá trị, sai mã tiền tệ ….. thì càng không biết đâu mà tìm lại phải nhờ đến Hội sở chính hỗ trợ, dần dần rồi cũng quen, công việc vất vả nhưng vui, thắm đượm tình anh em, đồng chí, đồng nghiệp.
Công việc ngày càng nhiều do ngân hàng chúng tôi ngày càng phát triển, sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng phong phú đòi hỏi trình độ của các anh chị em làm nghiệp vụ dịch vụ kế toán cũng phải phát triển theo, mọi người không ngừng học tập nâng cao trình độ để tiếp cận với công nghệ mới và việc quản lý con người ngày càng khó khăn vất vả hơn.
Bộ phận giao dịch trực tiếp với khách hàng theo mô hình giao dịch một cửa: khách hàng chỉ giao dịch tại một cửa nhất định của quầy giao dịch thuộc ngân hàng và nhận kết quả từ cửa giao dịch đó; các em giao dịch viên bây giờ không phải nhớ tài khoản gì, Nợ gì, Có gì; nhưng phải nhớ menu của từng loại sản phẩm, thu chi tiền mặt nhanh, chính xác, phải thành thạo cả việc phân biệt tiền giả tiền thật. Giao dịch trực tiếp với khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, bắt buộc phải hoàn thiện bản thân, chú trọng phong cách giao dịch vui vẻ hòa nhã lịch sự đảm bảo vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, nên ngoài việc phải giao dịch nhanh, đếm tiền nhanh chính xác thì giao dịch viên còn phải không ngừng học tập nâng cao trình độ để hiểu hết tất cả các sản phẩm nhằm tư vấn cho khách hàng kênh chuyển tiền nhanh và chịu phí ít nhất, gửi tiền, vay tiền làm sao cho có lợi nhất…., tất cả mọi công việc ngoài nghĩ đến lợi ích của ngân hàng thì cũng phải chú trọng đến lợi ích của khách hàng.
Bây giờ, đứng trên cương vị là một người quản lý, tôi thấy mỗi người cán bộ ngân hàng ngoài sự năng động sáng tạo thì cần phải có tâm có tầm, nhất là trong giai đoạn hiện nay cái tâm nó chi phối hành động của mỗi con người chúng ta.
Nghề ngân hàng lại là nghề tiếp xúc trực tiếp với hàng hoá đặc biệt là tiền vàng và tài sản quí nên tâm tính thay đổi và bị chi phối bởi ngoại cảnh là điều khó tránh khỏi. Hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây như cán bộ tín dụng móc nối với bộ phận liên quan lấy phôi trắng lập sổ tiết kiệm khống, tự ý lấy sổ tiết kiệm khách hàng điền thêm số tiền rồi đem thế chấp ở ngân hàng khác, rút ruột tài khoản khách hàng, thụt két, vay ké, làm giả thẻ ATM… nhằm mục đích trục lợi cá nhân như rút tiền chơi chứng khoán, buôn đất, đánh bạc, sống xa hoa truỵ lạc…. đang mỗi ngày một nhiều thêm. Điều này cho thấy, bên cạnh các loại rủi ro khác, đời sống của tổ chức tín dụng hiện nay đang đối mặt với một loại rủi ro đáng sợ: rủi ro đạo đức.
Thực tế cho thấy trong tất cả các loại rủi ro thì rủi ro đạo đức là khó quản trị nhất, nên ngoài việc tăng cường công tác hậu kiểm, quản lý cán bộ thì còn phải gần gũi, tâm sự, tạo cho cán bộ sân chơi lành mạnh có ích như tổ chức các lớp đào tạo, trang bị kỹ năng nghiệp vụ, giáo dục đạo đức, ý thức nghề nghiệp, kỷ luật lao động và bố trí cán bộ có trình độ năng lực phù hợp, tổ chức thi nghiệp vụ, thể thao, văn nghệ nhân những ngày thành lập ngành, đoàn, phụ nữ….
Qua đây cho thấy mỗi một con người bất kỳ đứng trên cương vị nào, vị trí nào cho dù công nghệ ngân hàng từ sơ khai đến hiện đại thì bản thân mình cũng phải giữ vững lập trường, kiên định, đảm bảo cái tâm với nghề, đều phải tự rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức để không đi chệch đường ray của ngân hàng.