Chia tay Eximbank để sang VPB: Cổ đông chiến lược Nhật Bản chấp nhận lỗ lớn sau 15 năm đầu tư?
Khoảng hơn 2/3 số cổ phiếu Eximbank do SMBC đã được sang tay tại mức giá 25.500 đồng/cp trong khi chỉ ít tháng trước, nhóm Thành Công đã thoái ở mức giá khoảng 40.000 đồng/cp.
- 16-01-2023Doanh nghiệp chế tạo giàn khoan Dầu khí PV Shipyard lỗ gấp đôi trong năm 2022, lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỷ đồng
- 16-01-2023Tech in Asia: Doanh thu giảm, Tiki báo lỗ tăng 39% trong năm tài chính 2022, cầm 187 triệu USD tiền mặt tại thời điểm cuối quý 3
- 16-01-2023KTS Nguyễn Trung Kiên: GK Archi đã chiếm lĩnh thị trường Kiến trúc Myanmar
Phiên giao dịch ngày 13/01, đã có hơn 137,1 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được giao dịch, trong đó 134,1 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị đạt 3.421 tỷ đồng. Phần lớn cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận ở mức giá 25.500 đồng/cp.
Đáng chú ý, trong phiên này, khối ngoại đã bán 132,8 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,75% vốn điều lệ), trị giá 3.388 tỷ đồng, tương ứng mức giá bán trung bình mỗi cổ phiếu là 25.500 đồng/cp.
Trước đó, ngày 14/10, Tập đoàn Thành Công đã bán ra toàn bộ 60,54 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%) đang sở hữu cũng theo phương thức giao dịch thoả thuận. Trong phiên này, có gần 97,8 triệu cổ phiếu EIB đã giao dịch thoả thuận với mức giá trung bình là 40.126 đồng/cp.
Bán sau Thành Công 2 tháng, giá bán ra của SMBC thấp hơn giá của Thành Công hơn 36%.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Eximbank hiện ở mức 18,95%, với mức bán của khối ngoại lên đến 10,75%, nhiều khả năng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông ngoại đang nắm giữ 15% tại ngân hàng này đã thoái 1 phần vốn trong phiên cuối tuần vừa qua.
Theo thông tin trên báo chí, NHNN ngày 18/10/2022 đã có văn bản "chấp thuận việc bán, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần EIB do SMBC sở hữu ở Eximbank", có giá trị thực hiện trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ký. Như vậy chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn cuối để SMBC thực hiện giao dịch.
SMBC trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank vào năm 2007. Theo thoả thuận ban đầu, SMBC đầu tư vào Eximbank với tổng giá trị 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ, đồng thời trở thành đối tác chiến lược. SMBC cam kết hỗ trợ và hợp tác với Eximbank trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Thương vụ định giá Eximbank 1,5 tỷ USD sau khi đầu tư. Ngân hàng Việt Nam những năm 2007 có tổng tài sản khoảng 32.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2022, Eximbank thông báo thoả thuận hợp tác chiến lược giữa Eximbank và SMBC đã chấm dứt sau 14 năm, đến giữa tháng 9, ông Võ Quang Hiển – đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SBMC cũng đã không còn là thành viên HĐQT Eximbank. Ngày 16/1 tới đây, Eximbank sẽ tiến hành họp đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm bầu bổ sung thành viên HĐQT. Nguyên nhân chính khiến Eximbank và SMBC chấm dứt hợp tác được cho là vì những xung đột của cuộc chiến "thượng tầng" ở Eximbank.
Giả sử toàn bộ 185,3 triệu cổ phiếu EIB do SMBC sở hữu đều được bán với giá 25.500 đồng/cp, như vậy, SMBC sẽ thu về khoảng 4.726 tỷ đồng.
Trong 15 năm nắm giữ cổ phần của Eximbank, SMBC đã được nhận cổ tức trong giai đoạn từ 2009 – 2013, với số cổ tức bằng tiền mặt nhận được hơn 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, cộng thêm phần cổ tức đã nhận, khoản đầu tư vào Eximbank giúp SMBC thu về hơn 5.726 tỷ đồng, khoảng 202 triệu USD (tạm tính theo tỷ giá hiện tại). Như vậy, sau hơn chục năm đầu tư vào EIB, khoản đầu tư của SMBC ước tính lỗ 23 triệu USD, khoảng 10,2%.
Được biết động thái rút lui khỏi Eximbank là một trong những điều kiện cần thiết để SMBC trở thành cổ đông chiến lược của VPBank. SMBC hiện cũng đã nắm 49% cổ phần của FE Credit - công ty con của VPBank hoạt động trong mảng tài chính tiêu dùng.
Về hoạt động kinh doanh, Eximbank ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 2.542 tỷ đồng, tăng 228%.
Mới đây, Eximbank cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh 2023 để trình cổ đông thông qua. Theo đó, Hội đồng Quản trị Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua. Theo đó, Eximbank sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần.
Như vậy, cổ đông Eximbank chuẩn bị được nhận cổ tức sau 8 năm và đây cũng là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Lần tăng vốn gần nhất diễn ra vào năm 2011 khi ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17%.
Diễn biến cổ phiếu EIB từ khi lên sàn
Nhịp sống thị trường