MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiếc bánh mì nhỏ ở Trung Quốc: Sản sinh hơn 20 tỷ phú cho một vùng quê, làm nên cả một "đế chế" công nghiệp, vươn sang cả Việt Nam

15-12-2022 - 13:15 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, vùng đất Tư Khê - Quê hương bánh mì Trung Quốc này lại không hề trồng lúa mì.

Tư Khê là huyện miền núi có diện tích khiêm tốn ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Tỷ lệ che phủ rừng ở Tư Khê cao tới 87,7%.

Theo tờ Kuaidao Caijing (Trung Quốc), nơi này chưa từng xuất hiện cây lúa mì hay nhà máy bột mì nhưng 50.000 người đang làm bánh mì với hơn 16.000 tiệm bánh mì, 200-300 tiệm khác được mở tại hơn 1.000 địa phương trên cả nước; thậm chí có tiệm bánh mì đã mở ở nước ngoài như Việt Nam, Nga v.v...

Với giá trị sản lượng hàng năm của ngành bánh mì lên tới 20 tỷ Nhân dân tệ (NDT), Tư Khê sản sinh hơn 160 triệu phú, hơn 20 tỷ phú và trở thành Quê hương của bánh mì Trung Quốc.

Làm thế nào mà người Tư Khê biến chiếc bánh mì nhỏ thành một ngành công nghiệp lớn?

Chiếc bánh mì nhỏ  tạo nên "đế chế" công nghiệp

Vào những năm 1980, Trương Hiệp Vượng, một lính nghĩa vụ người Tư Khê, trong một lần đi mua sắm đã bất ngờ tiếp xúc với một sản phẩm mới có xuất xứ từ đảo Đài Loan - bánh mì.

Chiếc bánh mì nhỏ ở Trung Quốc: Sản sinh hơn 20 tỷ phú cho một vùng quê, làm nên cả một đế chế công nghiệp, vươn sang cả Việt Nam - Ảnh 1.

Bánh của một thương hiệu bánh mì Tư Khê. Ảnh: ubereats.com

Trương nhận thấy, bánh mì không chỉ mềm, ngon mà còn sinh lời. Vào thời điểm đó, doanh thu của một tiệm bánh có thể lên tới 3.000-4.000 NDT/ngày, hàng chục nghìn NDT/tháng. Quan trọng hơn, đầu tư một tiệm bánh không cần quá nhiều vốn, là một kênh kinh doanh không tồi.

Tuy nhiên, bánh mì là một ngành kinh doanh thủ công. Vì vậy, Trương đã tìm thấy chủ tiệm bánh trên với ý định học hỏi kinh nghiệm nhưng chủ quán từ chối không chia sẻ bí quyết.

Sau đó, Trương theo học công nghệ làm bánh trong trường quân sự.

Sau khi giải ngũ vào năm 1987, Trương đã mở tiệm bánh đầu tiên.

Chỉ trong năm đầu tiên mở cửa hàng, ông chủ Trương kiếm được hơn 30.000 NDT. Sau đó, ông mở thêm nhiều chi nhánh sang các địa phương khác, đồng thời dẫn dắt người thân và bạn bè điều hành tiệm bánh.

Có thông lệ là nếu người Tư Khê muốn mở tiệm bánh, bất kể họ ở thành phố nào, chỉ cần họ đến tiệm bánh do người Tư Khê mở, trao đổi bằng phương ngữ Tư Khê để chứng minh là đồng hương, chủ tiệm sẽ giúp đỡ vô điều kiện.

Đến năm 1990, hơn 3.000 người Tư Khê gia nhập ngành bánh mì, đến giữa những năm 1990, con số này đã tăng lên gần 20.000. Bánh mì Tư Khê đã xuất hiện ở hơn 1.000 quận và thành phố trên cả nước.

Giờ đây, bánh mì Tư Khê đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Bao's Pastry, Taosu Luxihe v.v...

Mặc dù "đội quân" bánh mì Tư Khê nằm rải rác khắp Trung Quốc nhưng tất cả đều có đặc điểm chung về cách lựa chọn địa điểm, quảng cáo và sản phẩm.

Ví dụ, nếu một sản phẩm bánh mì bán chạy, tất cả các cửa hàng bánh mì thuộc Hiệp hội bánh mì Tư Khê sẽ đồng thay đổi chủng loại: bánh mì đào vàng bán chạy thì cùng bán bánh mì đào vàng, bánh mì táo đỏ bán tốt thì cùng bán bánh mì táo đỏ.

Một ví dụ khác, khi chọn cửa hàng, rất nhiều ông chủ ngành bánh duy tâm cho rằng vị trí này không hợp phong thủy nên không chọn. Nhưng những doanh nhân của Hiệp hội bánh mì Tư Khê lại không nghĩ thế, chỉ cần vị trí ổn họ sẽ giành lấy bằng mọi giá.

Được biết, một tiệm bánh rộng 70m2 của Bao's Pastry tại Thượng Hải có giá thuê lên tới hơn 2 triệu NDT (khoảng 7 tỷ VNĐ)/tháng.

Bánh mì Tư Khê tiếp tục mở rộng

Chiếc bánh mì nhỏ ở Trung Quốc: Sản sinh hơn 20 tỷ phú cho một vùng quê, làm nên cả một đế chế công nghiệp, vươn sang cả Việt Nam - Ảnh 2.

Công nhân trong lò làm bánh ở Tư Khê. Ảnh: Xinhua

Năm 2018 có thể gọi là bước ngoặt của bánh mì Tư Khê. Tại địa phương, chính quyền Tư Khê đã đề xuất ý tưởng quy hoạch xây dựng thành phố công nghiệp sản xuất bánh mì.

Bao Tài Thắng, Giám đốc thương hiệu Bao's Pastry đã quay về quê hương đầu tư. Công xưởng được xây dựng từ số vốn 200 triệu NDT đã tạo ra 26.000 tấn thực phẩm các loại mỗi năm, thu về 500 triệu NDT/năm.

Ngoài ra, năm 2018, Hiệp hội bánh mì Tư Khê cũng đã thiết kế lại và đăng ký nhãn hiệu "Zixi Bread", đồng thời thống nhất logo thương hiệu, thiết kế CI, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình đóng gói và quản lý.

Ngay cả trong đợt dịch bệnh năm 2020, hơn 1.000 cửa hàng mới mang thương hiệu Zixi Bread khai trương.

Những cửa hàng này đã kết hợp với xưởng sản xuất ruốc và xưởng trộn nguyên liệu hình thành mô hình "chuỗi sản xuất công nghiệp + cửa hàng lớn".

Ví dụ, nhà máy ruốc Feige, nhà máy chế biến ruốc lớn nhất thế giới ở Tư Khê, đã chính thức đi vào hoạt động, với sản lượng 100 tấn/ngày, doanh thu 7 triệu-8 triệu NDT/ngày.

Các nhà xưởng bánh mì, bánh ngọt, trộn nguyên liệu cũng đã liên tiếp được đưa vào sản xuất. Sau khi hoàn thành, xưởng bánh mì có thể sản xuất 4 tấn bột/giờ và bánh mì có thể được bán cho hơn 500 cửa hàng.

Ngoài ra, Tư Khê còn mời các kỹ thuật viên làm bánh từ nhiều nơi như Đài Loan, Quảng Đông đến Tư Khê để trao đổi kỹ thuật tiên tiến hàng năm, nhằm thúc đẩy cải tiến liên tục sản phẩm.

An An

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên