MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiếc máy bay 9 cánh kỳ dị này được thiết kế để băng qua Đại Tây Dương vào năm 1920

20-02-2023 - 20:22 PM | Sống

Sức sáng tạo của con người là không có giới hạn và "con quái vật bay" này đã được tạo ra theo cách điên rồ như thế.

Vào ngày 5/10/1905, hai anh em nhà Wright đã lái thành công chiếc Flyer III quanh tiểu bang North Carolina ở Mỹ trong 39 phút. Họ đã đi được gần 40 km trong chuyến bay lịch sử, và sẽ còn có thể bay xa hơn nữa nếu phương tiện của họ không… hết xăng. Sáu năm sau, vào ngày 1/11/1911, con người đã thả quả bom đầu tiên từ một chiếc máy bay đơn do Đức chế tạo xuống Libya, trong cuộc chiến tranh giữa Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, ở Ý, Giovanni Battista Caproni - một người rất ngưỡng mộ anh em nhà Wright - đã chế tạo chiếc máy bay đầu tiên của mình và sau đó nhanh chóng thành lập một công ty sản xuất máy bay có tên là Società Italiana Caproni vào năm 1908. Ông là một nhà chế tạo máy bay tài giỏi, đến nỗi vào thời điểm Thế chiến I bắt đầu hồi tháng 8/1914, ông đã thiết kế khoảng 30 chiếc máy bay khác và nhanh chóng trở thành nhà cung cấp máy bay hàng đầu của Ý.

Vào đầu những năm 1920, công nghệ chế tạo máy bay và các kiến thức khoa học đằng sau các chuyến bay vẫn đang ở giai đoạn phát triển sơ khai. Các chuyến bay thương mại chỉ có thể thực hiện ở khoảng cách ngắn và phương thức vận chuyển xuyên Đại Tây Dương chủ yếu vẫn là bằng tàu, thường mất tới 5 ngày để hoàn thành.

Tuy nhiên, Caproni khi đó đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm chế tạo máy bay. Ông quyết tâm muốn biến những chuyến đi biển dài ngày đó trở thành dĩ vãng. Nhà sáng chế này muốn chế tạo một chiếc thủy phi cơ chở khách khổng lồ, có khả năng chở tới 100 hành khách cùng một lúc.

Chiếc máy bay 9 cánh kỳ dị này được thiết kế để băng qua Đại Tây Dương vào năm 1920 - Ảnh 1.

Thủy phi cơ Caproni Ca.60 Transaereo.

Một chiếc 'xe buýt biết bay' với những chiếc ghế gỗ

Khi đó, với tư cách là một trong những nhà chế tạo máy bay ưu việt nhất thế giới thời bấy giờ, Caproni đã lấy tất cả những thứ được biết là có thể bay đem gộp lại với nhau và nhân rộng quy mô của phương tiện lên gấp nhiều lần. Một con quái vật bay khổng lồ đã ra đời, mang tên Caproni Ca.60 Transaereo, hay còn được gọi là Noviplano - cái tên có nghĩa là 9 cánh - dựa trên thiết kế tổng thể của nó.

Không quá khó để hình dung, chiếc máy bay này có tới 9 chiếc cánh, xếp thành ba bộ cánh mỗi bộ 3 chiếc. Về cơ bản, Caproni đã lấy ba chiếc máy bay ba tầng và buộc chúng lại với nhau bằng 250 mét thanh chống và hơn 2,4 km dây giằng. Bên dưới nó là một thân máy bay dài giống như chiếc xe buýt chở khách, nơi mà mọi người sẽ ngồi trên những băng ghế dài bằng gỗ.

Khi hoàn thành, chiếc máy bay có sải cánh dài 30 mét, cao 9 mét và nặng hơn 15 tấn. Nó to và nặng đến mức cần được hỗ trợ bằng các phao ổn định để có thể cất cánh khỏi mặt nước. Để vận hành và điều khiển chiếc máy bay khổng lồ này cũng cần tới 8 thành viên phi hành đoàn, với phi công chính và phi công phụ ngồi trong buồng lái ngoài trời ở phía trước máy bay. Trong khi đó, các kỹ sư bay bổ sung sẽ ngồi ở một trong hai buồng lái nằm ở vị trí cánh trước và cánh sau.

Phương tiện sử dụng 8 động cơ Liberty L-12 V12, mỗi động cơ có thể tạo ra 400 mã lực. Nó được cho là có tốc độ bay tối đa 140 km/h, tốc độ hành trình 110 km/h và tầm hoạt động 600 km.

Chiếc máy bay 9 cánh kỳ dị này được thiết kế để băng qua Đại Tây Dương vào năm 1920 - Ảnh 2.

Chiếc máy bay khổng lồ sụp đổ.

Khi lý thuyết không giống với thực hành

Tuy nhiên, vấn đề của chiếc máy bay này khi đó là tầm bay ngắn, khiến cho việc tiếp nhiên liệu sẽ yêu cầu máy bay phải hạ cánh giữa đại dương và quá trình tiếp tế bằng tàu biển sẽ lên tới con số hàng chục lần. Như vậy, thời gian bay cho chuyến hành trình xuyên Đại Tây Dương sẽ càng thêm kéo dài, chưa kể các sự cố phát sinh nếu có. Điều này về cơ bản đã phủ nhận một cách nhanh chóng bản chất của việc bay bằng phương tiện này ngay từ đầu.

Điều này dẫn đến một câu hỏi triệu USD, rằng nó có thể bay không?

Theo các báo cáo, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của nó đã diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm 1921 tại Hồ Maggiore, Thụy Sĩ. Sau khi đạt tốc độ gần 80 km/h, nó đã nhấc thân lên khỏi mặt nước trong một thời gian ngắn. Trong chuyến bay thử nghiệm thứ hai, nó đã bay được lên không trung, đạt vận tốc 100 km/h rồi lao thẳng xuống nước, khiến toàn bộ chiếc may bay bị phá hủy.

Tuy nhiên, một báo cáo khác cho biết có một chuyến bay thử nghiệm bất ngờ đã diễn ra vào ngày 4/3/1921. Nhà thiết kế Caproni thậm chí còn không có mặt ở hồ khi phi công Federico Semprini, người đã trực tiếp thử nghiệm chiếc máy bay hồi tháng trước, bất ngờ cho nó cất cánh. Lý do anh cất cánh chiếc máy bay tới nay vẫn chưa được tiết lộ, nhưng chuyến bay đã dẫn đến việc máy bay bị phá hủy hoàn toàn.

Theo các nhà nghiên cứu, dù sớm hay muộn thì chiếc máy bay này cũng sẽ thất bại do một vấn đề nghiêm trọng. Một chiếc máy bay không thể có ba bộ cánh xếp thẳng hàng, vì mỗi bộ cánh thêm vào sẽ cản trở khả năng tạo lực nâng tổng thể. Không có lực nâng, một chiếc máy bay không thể bay một cách đáng tin cậy và an toàn. Thêm vào đó, dãy thanh chống và giàn dây được sử dụng để giữ các bộ phận lại với nhau đã tạo ra lực cản rất lớn. Cuối cùng, chiếc máy bay được thiết kế khá kém bởi các kỹ thuật về hàng không chưa được tìm hiểu đầy đủ vào thời điểm đó.

Tham khảo slashgear

Theo Bảo Nam

Thể thao văn hóa

Trở lên trên