MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiếc máy bay "made in China" mà Vietnam Airlines đang quan tâm có gì đặc biệt?

27-06-2024 - 19:55 PM | Thị trường

Vietnam Airlines đang xem xét tới dòng máy bay C919 do Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất.

Tình trạng thiếu hụt máy bay tại Việt Nam diễn ra khá trầm trọng. Nguyên nhân một phần là do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ, cùng với đó là việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney đang được sử dụng trên một số tàu bay A321, 320 NEO. Dù là một hãng hàng không lớn nhưng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt đội bay này.

Tại ĐHĐCĐ thường niên Vietnam Airlines diễn ra ngày 21/6 vừa qua, Vietnam Airlines cho hay, hãng có 11 máy bay bị triệu hồi động cơ, dự kiến cuối năm sẽ dừng tiếp 6 chiếc. Cùng với đó, một số động cơ của các hãng khác trên các máy bay Boeing cũng phải đem đi sửa chữa dẫn đến tổng lượng máy bay cung ứng giảm khoảng 20%.

Trước tình trạng này, hãng hàng không quốc gia đã làm việc với Pratt & Whitney về vấn đề cung cấp động cơ dự phòng và cung cấp lịch sửa chữa sớm nhất cho các động cơ bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, Vietnam Airlines đang xem xét tới dòng máy bay thân hẹp bao gồm Boeing, Airbus, Embraer, C919..., trong đó C919 là loại máy bay do Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất. CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, Vietnam Airlines vẫn đang theo dõi sát sao quá trình phát triển và cấp phép của các cơ quan quản lý với tàu bay C919.

Chiếc máy bay

Một chiếc C919 của hãng hàng không China Eastern Airlines. Ảnh: CNN

Dòng máy bay C919 có gì đặc biệt?

Máy bay thân hẹp Comac C919 là mẫu máy bay thương mại đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Chiếc máy bay này được tạo ra để cạnh tranh trực tiếp với mẫu Airbus 737 MAX và Boeing A320 thông dụng trên toàn cầu.

Theo thông tin đăng tải trên website của Comac, máy bay C919 đã nhận được Giấy chứng nhận loại từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) tháng 9/2022. Máy bay C919 đầu tiên trên thế giới được giao vào tháng 12/2022. C919 đi vào hoạt động thương mại vào tháng 5/2023.

Chiếc máy bay

Máy bay C919 cất cánh tại sân bây quốc tế Phố Đông, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Dù là một sản phẩm "made in China" nhưng phần lớn thiết bị trong buồng lái và phần đầu của tàu bay này đến từ Mỹ và châu Âu. Hệ thống liên lạc và định vị sử dụng linh kiện từ nhà sản xuất Rockwell Collins (Mỹ). Một số bộ phận khác từ các nhà sản xuất của Mỹ như bánh và phanh (Honeywell), vỏ nhôm thân máy bay (Acronic), hộp đen (GE).

Chiếc máy bay

Chiếc máy bay

C919 là loại phản lực đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển theo tiêu chuẩn bay quốc tế và sở hữu quyền sở hữu trí tuệ độc lập. C919 là máy bay chở khách với chiều dài gần 39 m. Máy bay C919 có bố trí từ 158 - 192 ghế, tầm bay từ 4.075 - 5.555 km. Khoảng cách từ sàn đến điểm cao nhất của trần tàu bay khoảng 2,25m. Độ rộng của các ghế rơi vào khoảng 18 inch.

C919 có hai hàng thương gia với 8 ghế bọc da, màu nâu nhạt, có thể tùy chỉnh độ ngả theo nhu cầu khách hàng. Hệ thống ánh sáng trong khoang khách có thể tùy chỉnh đến 10 chế độ màu sắc.

Chiếc máy bay

Thiết kế máy bay C919 có nhiều điểm tương đồng với A321 và B737. Ở khoang lái, có 5 màn hình LCD 15,4 inch hiển thị trước mặt các phi công. Bếp C919 chứa được 7 xe đẩy đồ ăn cùng hệ thống, quầy bar, tủ hâm nóng đồ ăn trên tàu bay.

Chiếc máy bay

Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye tại Hawaii (Mỹ), nhận định máy bay do Trung Quốc sản xuất hoàn toàn có thể cạnh tranh với Boeing.

"Trung Quốc sẽ đưa ra mức giá tốt hơn kèm quảng cáo máy bay của mình có chất lượng tương đương với Boeing, đồng thời lợi dụng tất cả các vụ bê bối mà Boeing trải qua trong những năm gần đây", vị giáo sư này chia sẻ.

Giá mỗi chiếc C919 khoảng 99 triệu USD, rẻ hơn vài chục triệu so với Airbus A320 NEO hay Boeing 737. Theo thông tin từ Comac, đến cuối năm 2023, hãng đã đã nhận khoảng 1.000 đơn đặt hàng C919. Phần lớn các đơn đặt hàng này đến từ các hãng bay Trung Quốc.

Chiếc máy bay

Tại thị trường nội địa Trung Quốc, mẫu máy bay này khá đắt khách. Theo South China Morning Post đưa tin hồi tháng 5 vừa qua, Comac đã nhận đơn 100 chiếc C919 với tổng giá trị 10,8 tỷ USD từ hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China. Trước đó, tập đoàn hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc HNA Group cũng ký thỏa thuận khung với Comac trong đó hai công ty con là Urumqi Air và Suparna Airlines sẽ lần lượt mua 30 chiếc C919...

Ảnh: Comac

Theo Pha Lê

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên