MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiếc mũ đỏ, nước mắt người Mỹ và câu chuyện của kinh tế Việt Nam

Alyssa Young, 28 tuổi, đến từ bang Texas đã bật khóc ngon lành tại buổi lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump ngày 20/1 (theo giờ địa phương) vừa qua. Lý do là chiếc mũ “Make America Great Again” của cô được sản xuất tại Việt Nam.

Nước mắt tủi thân người Mỹ…

Hãng tin Reuters đã phát hiện một chuyện vô cùng thú vị trong ngày nhậm chức của ông Donald Trump. Đó là những chiếc mũ lưỡi trai của người ủng hộ ông với dòng chữ “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) tương ứng với kêu gọi của vị tân Tổng thống “Hãy dùng hàng Mỹ và hãy thuê người Mỹ” có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc và Bangladest thay vì ở được sản xuất ở Mỹ.

“Alyssa Young, 28 tuổi đến từ bang Texas đã mua chiếc mũ từ một người bán rong với giá 20 USD. Ban đầu cô không hề để ý đến nguồn gốc xuất xứ của chiếc mũ. Tuy nhiên sau khi phát hiện chiếc mũ "Make America Great Again" lại được sản xuất tại Việt Nam cô đã bật khóc”, Reuters viết.

Xuất xứ của chiếc mũ có chút mâu thuẫn với tuyên bố của ông Donald Trump? Cũng có thể. Nhưng nó cũng có thể là áp lực khiến cho tân Tổng thống Mỹ càng phải kiên quyết thực hiện lời hứa “đặt người Mỹ lên hàng đầu bằng việc thực hiện hai nguyên tắc cơ bản: Mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ làm việc” mà tuyên bố chính thức rút khỏi TPP là hành động đầu tiên, TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung Tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) nhận định.

Sẽ là khó khăn với Việt Nam?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên tới 38,5 tỷ USD, chiếm 22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi theo hướng không tích cực trong những năm tiếp theo.

“Tự tôn dân tộc, việc người Mỹ sẽ ưu tiên dùng hàng Mỹ, lao động Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam bên cạnh những lo ngại về giảm bớt động lực phát triển khi TPP không còn”, ông Khôi cho biết.

Cũng theo ông, mặc dù Việt Nam vẫn còn nhiều Hiệp định thương mại song phương quan trọng với các quốc gia khác, nghĩa là còn nhiều dư địa phát triển nhưng không thể phủ nhận được câu chuyện của ông Trump đang có ảnh hưởng lớn đối với chủ nghĩa dân tuý và chống toàn cầu hoá đang nổi lên.

“Những thách thức và những yếu tố bất định của thế giới trong năm 2017 là rất lớn mà Việt Nam lại là nước có nền kinh tế có độ mở thuộc hàng nhất thế giới, gấp 4 lần Trung Quốc, do vậy, bất cứ diễn biến nào của thương mại, đầu tư,… toàn cầu đều ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta”, ông nói.

Do đó, TS. Lương Văn Khôi cho rằng trong tương lai, Việt Nam cần phải tăng nội lực của chính bản thân, khai thác hiệu quả thị trường trong nước. Đồng thời, chủ động hội nhập và khai thác có hiệu quả những hiệp định thương mại song phương, đa phương hiện có và sắp ký kết để bù đắp những tác động tiêu cực của việc Hiệp định TPP bị hủy bỏ và xu hướng chống toàn cầu hóa và để phân tán rủi ro, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào bất cứ một thị trường nào.

Tương lai quan hệ Việt Mỹ trước đó cũng đã được doanh nghiệp Mỹ băn khoăn ngay tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2017. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của Tổng thống Donald Trumps: “Ông Phúc phải tới Mỹ, dù là Washington hay New York thì tôi tiếp ông bất cứ lúc nào ông muốn”.

Về phần TPP, Thủ tướng cũng nói thêm: “Nếu không có TPP thì Việt Nam và Mỹ sẽ thảo luận để có hiệp định thương mại đầu tư mới… Không có gì là bi quan khi ông Donald Trump lên nắm chính quyền mới”.

Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, có không ít người tin rằng không có TPP cũng đem đến những hiệu ứng tích cực. Như chia sẻ của bà Lê Hoài Anh, Chủ tịch HAL Group: “TPP chưa bao giờ là giấc mơ của mình. Giấc mơ của mình là Việt Nam sẽ không phụ thuộc vào bất cứ cường quốc nào”.

Đức Minh – Linh Bùi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên