Chiếc ô tô điện đầu tiên do Campuchia sản xuất giá 200 triệu đồng giờ ra sao?
Sau 5 năm ra mắt rầm rộ, chiếc ô tô điện đầu tiên do Campuchia sản xuất hiện tại vẫn không thể lăn bánh trên đường.
Đầu năm 2013, Công ty Heng Development của Campuchia chính thức cho ra mắt chiếc ô tô chạy điện 2 chỗ ngồi hoàn toàn được sản xuất ở trong nước mang tên Angkor EV 2013. Chiếc ô tô này sản xuất tại nhà máy ở thị trấn Takhmao, tỉnh Kandal. Đây cũng là chiếc ô tô chạy điện đầu tiên được sản xuất ở Campuchia.
Chiếc xe là sản phẩm đầu tiên dự trên thiết kế của kỹ sư Nhean Phaloek. Ông đặt cho mẫu xe này cái tên Angkor, gọi theo khu đền lịch sử nổi tiếng đất nước chùa tháp.
Một số phần của chiếc xe được sản xuất tại Campuchia, tuy nhiên, vẫn có một vài linh kiện khác của xe điện được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.
Phiên bản đầu tiên của chiếc ô tô này chạy bằng điện, tốc độ chạy tối đa 60km/h. Theo nhà thiết kế pin của ô tô điện Angkor EV 2013 có thể duy trì được khoảng 300 km cho mỗi lần sạc. Mẫu ô tô điện này còn được lắp đặt công nghệ quét dấu vân tay để mở cửa và sử dụng thẻ điện tử thay cho khóa để khởi động máy.
Tổng giám đốc công ty Heng Development Company, bà Seang Chan Heng khi đó cho biết, chiếc xe có giá không vượt quá 10.000 USD.
Và để phục vụ cho kế hoạch phát triển ô tô nước nhà, Heng Development Company đã có thỏa thuận trị giá 20 triệu USD với Chau Leong Enterprise Group, một công ty có trụ sở tại Hong Kong về việc giúp sản xuất các thiết bị lắp ráp dành cho xe Angkor EV.
Tuy nhiên, thỏa thuận này không đạt được, Heng Development Company phải tự đặt hàng các linh kiện lắp ráp từ Đức và Trung Quốc. Ngoài ra, mẫu ô tô này còn gặp nhiều vấn đề cơ khí trong quá trình sản xuất. Điều này dẫn đến dự án phát triển ô tô mang thương hiệu quốc gia đã bị đình trệ.
Chính vì lẽ đó, dù nhà sản xuất đã rất nỗ lực, cải tiến và khắc phục lỗi nhưng mẫu ô tô từng một thời nhận được nhiều lời khen ngợi của truyền thông trong và ngoài nước Angkor của Campuchia đến nay vẫn không có một chiếc nào lăn bánh trên đường.
Nhịp sống kinh tế