MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiếm thị phần quá lớn, Vinasoy gặp thách thức về bài toán tăng trưởng

20-08-2018 - 09:24 AM | Doanh nghiệp

Do Đường Quảng Ngãi (QNS) hiện không thực sự nỗ lực đẩy mạnh hoạt động marketing sản phẩm nên HSC tự hỏi tiềm năng tăng trưởng thực sự của QNS sẽ ra sao nếu Công ty đẩy mạnh hơn hoạt động này, thể hiện ở việc đẩy mạnh chi phí marketing và mở rộng mạnh các điểm bán hàng trong mạng lưới phân phối.

Mức tăng trưởng sẽ vượt bậc nếu QNS áp dụng hiệu quả hơn chiến lược marketing?

Đường Quảng Ngãi (QNS) đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm sát kỳ vọng, với doanh thu thuần đạt 3.973 tỷ đồng, tăng 1,3% trong khi lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 562 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Mức tăng doanh thu của QNS được đánh giá là khiêm tốn, khi mà doanh thu sữa đậu nành và các sản phẩm thực phẩm đồ uống khác giảm.

Chi tiết, doanh thu mảng đường tăng 7,5% so với cùng kỳ đạt 1.173 tỷ đồng nhờ sản lượng tăng với công suất được mở rộng. Đi ngược có doanh thu sữa đậu nành giảm 4,8% so với cùng kỳ xuống còn 1.753 tỷ đồng, tương tự như xu hướng các sản phẩm sữa trong 6 tháng đầu năm. Tương tự, doanh thu từ các sản phẩm thực phẩm đồ uống khác như bia, nước khoáng và bánh kẹo cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 741,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận gộp ghi nhận tăng tốt hơn doanh thu, đạt 1.036 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp mảng đường và sữa dậu nành cải thiện. Theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 24% lên 26,8%. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận gộp mảng đường tăng từ 9,4% lên 13,1% nhờ giá mía giảm và tỷ lệ chuyển đổi (từ mía sang đường) tăng.

Với kết quả trên, Chứng khoán HSC (HMC) ước tính P/E dự phóng năm 2018 cho QNS là 12 lần, với kỳ vọng LNST tăng trưởng 12,8% và năm 2019 tăng trưởng 12,5%.

Điều đáng nói là sau khi được biết đến với việc tăng trưởng chậm trong vài năm qua, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của QNS lại đột nhiên tăng trưởng khả quan hơn nhiều các doanh nghiệp ngành sữa như VNM và KDC. Do QNS hiện không thực sự nỗ lực đẩy mạnh hoạt động marketing sản phẩm nên HSC tự hỏi tiềm năng tăng trưởng thực sự của QNS sẽ ra sao nếu Công ty đẩy mạnh hơn hoạt động này, thể hiện ở việc đẩy mạnh chi phí marketing và mở rộng mạnh các điểm bán hàng trong mạng lưới phân phối. Tuy nhiên trước mắt đây mới chỉ là câu hỏi mang tính lý luận.

Doanh thu mảng sữa giảm nhưng biên lợi nhuận tăng do chi phí đầu vào giảm điều chỉnh đáng kể

Đi sâu vào phân tích doanh thu mảng sữa đậu nành giảm 4,8% so với cùng kỳ nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ nỗ lực tiết kiệm chi phí. Theo công ty, giá bán sữa đậu nành vẫn giữ nguyên so với năm trước nên HSC cho rằng doanh thu giảm là do sản lượng giảm (Công ty không công bố sản lượng tiêu thụ).

Trái lại, tỷ suất lợi nhuận tăng từ 33,4% trong 6 tháng đầu năm 2017 lên 39,2% trong 6 tháng đầu năm 2018 chủ yếu nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm. Giá của 2 đầu vào chính đã giảm đáng kể. Giá đậu nành giảm xấp xỉ 23% từ 21.000đ/kg xuống 16.000đ/kg. Giá đường cũng giảm 21% từ 14.000đ/kg xuống còn 11.000đ/kg.

Được biết thêm, kế hoạch Công ty sẽ tung sản phẩm mới ra thị trường vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 năm nay nhưng HSC chưa có thông tin chi tiết về những sản phẩm mới này.

Cần chiến lược bán hàng và marketing hiệu quả hơn

Theo quan điểm HSC, QNS đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành có thương hiệu, song hiện đang phải đối mặt với nhiều cạnh tranh lớn. Bao gồm:

(1) Các sản phẩm từ sữa như sữa bò. Mặc dù lượng tiêu thụ tăng lên trong những năm gần đây, sữa đậu nành vẫn chưa được nhìn nhận rõ ràng là một đồ uống dinh dưỡng ở Việt Nam. Và hình ảnh này hiện thuộc về các sản phẩm từ sữa động vật nhờ chiến lược marketing thương hiệu ồ ạt

(2) Các sản phẩm sữa đậu nành của các thương hiệu khác như Vinamilk & Nutifood. Hiện tại, QNS có sữa đậu nành nguyên chất, sữa đậu nành canxi, sữa đậu nành cho nam giới, và sữa đậu nành mè đen. Phía VNM có sữa đậu nành canxi, sữa đậu nành nha đam, sữa đậu nành óc chó, và sữa đậu nành giàu protein. Còn Nutifood có sữa đậu nành canxi và sữa đậu nành nguyên chất.

Với thế trên, trong trung hạn, HSC cho rằng Công ty cần chiến lược bán hàng và marketing hiệu quả hơn để đẩy mạnh tăng trưởng. Bênh cạnh đó, QNS cũng không đạt được nhiều thành công trong việc giành thị phần từ các sản phẩm sữa đậu nành không có thương hiệu. Rõ ràng, Công ty cần có chiến lược mới mẻ hơn.

Theo ước tính của HSC, doanh thu ngành sữa đậu nành (các sản phẩm có thương hiệu) của QNS sẽ tăng trưởng 8%, đồng thời thị phần của QNS sẽ giảm từ 83% năm 2017 xuống 80% trong năm 2018. Do đó, sản lượng sữa đậu nành tiêu thụ dự báo đạt 240 triệu lít, tăng trưởng 3,6%.

Tuy nhiên, vè mặt tỷ suất lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành HSC cho rằng năm 2018 sẽ không đổi là 39,2%, theo đó lợi nhuận gộp là 1.467 tỷ đồng (giảm 3,6% so với năm 2017), với giá định sản lượng đường tiêu thụ dự báo là 214.000 tấn, tăng trưởng 49,1% nhờ sản lượng ép tăng và tỷ lệ quy đổi đường ra mía tốt hơn, và giá bán đường là 11.200đ/kg, giảm 13,9% so với năm 2017. Tương ứng tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 11,5% từ 3,3% trong năm 2017 với lợi nhuận gộp tăng trưởng 350% đạt 275 tỷ đồng.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên