Chiến lược đầu tư 4 tháng cuối năm 2018: Lùi một bước tiến hai bước
P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn, chỉ tương đương với các chỉ số chứng khoán trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan là 17,1x. Tuy nhiên, nếu loại VIC, VHM và VRE, VN-Index đang có mức P/E 14,3x.
Ông Hoàng Huy – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) có chia sẻ mở đầu buổi hội thảo "Triển vọng TTCK Việt Nam nửa cuối năm 2018" rằng thời điểm hiện tại là thích hợp để giải ngân, mua vào cổ phiếu ở mức định giá khá rẻ.
P/E hấp dẫn, margin sẽ tăng, KQKD tiếp tục khả quan sẽ hỗ trợ dòng vốn quay lại TTCK đến cuối năm 2018
Theo ông Huy, trải qua nửa đầu năm với mức độ điều chỉnh 25% của chỉ số VN-Index sau khi xác lập đỉnh lịch sử 1.211 điểm vào tháng 4/2018, P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn, chỉ tương đương với các chỉ số chứng khoán trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan là 17,1x. Tuy nhiên, nếu loại VIC, VHM và VRE, VN-Index đang có mức P/E 14,3x.
"Đây là yếu tố hỗ trợ dòng vốn quay lại thị trường Việt Nam thời gian tới. Chưa kể, khi thị trường có mức định giá hấp dẫn, đi cùng với lượng margin tại các CTCK giảm mạnh thời gian qua – giảm đến 40-50% - được dự báo quay lại đổ mạnh vào thị trường, hỗ trợ thêm cho tính hấp hẫn đối với nhà đầu tư ngoại", ông Huy nhấn mạnh.
Đi cùng với đó, một số hỗ trợ từ vĩ mô theo vị này, thứ nhất NHNN dự sẽ tiếp tục có động thái can thiệp vào tỷ giá. Được biết tháng 7 này NHNN đã bán ra 2 tỷ USD để bình ổn tỷ giá và thời gian tới sẽ tiếp tục có chính sách khác, có thể qua lãi suất.
Cũng liên quan đến vĩ mô, trên thế giới đồng nhân dân tệ được dự báo sẽ giảm giá mạnh hơn so với kỳ vọng của thị trường, và 6 tháng đầu năm giá trị đồng tiền này có dấu hiệu ổn định hơn so với đồng USD.
Một yếu tố khác, kết quả kinh doanh các công ty niêm yết nửa đầu năm tăng đến 30%, điều này hỗ trợ đáng kể cho việc hồi của chỉ số VN-Index. Và, 4 tháng cuối năm dự kiến kết quả kinh doanh tiếp tục là một trong những động lực cho thị trường chứng khoán.
Nhóm ngân hàng với triển vọng sáng sẽ tiếp tục dẫn dắt đà tăng VN-Index
Đặc biệt, ông Huy nhấn mạnh vào nhóm dẫn dắt là nhóm Ngân hàng, khi thanh khoản dồi dào trong bối cảnh lãi suất cho vay có xu hướng tăng sẽ tiếp tục hỗ trợ NIM của ngân hàng. Cùng với đó, thu nhập dịch vụ và thu nhập khác (thu hồi nợ xấu đã trích lập) tiếp tục tăng, nhu cầu vốn cấp 1 và 2 gia tăng do CAR hệ thống và ngân hàng riêng lẻ đang giảm, đi chung với lộ trình 10 ngân hàng thí điểm Basel II năm 2020.
Theo đó, KIS dự báo năm 2018 lợi nhuận các ngân hàng niêm yết ước tăng 30%, P/E kỳ vọng là 11,9x (3/8/2018).
Điểm sơ qua về cổ phiếu ngân hàng, ông Huy lạc quan khi thời gian mới đây nhóm ngân hàng tăng khá tốt, thanh khoản cũng ổn định. Đà tăng này một phần đến từ việc lợi nhuận nhóm ngân hàng niêm yết nửa đầu năm 2018 tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tập trung vào mảng dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại khi lợi nhuận từ tín dụng tiêu dùng có dấu hiệu giảm mạnh trong 6 tháng qua. Nhìn chung, bức tranh toàn ngành ngân hàng vẫn sáng, với lãi suất có xu hướng tăng từ cuối tháng 3 khiến NIM các ngân hàng cải thiện mạnh, tổng thu nhập hoạt động tăng 28% nhờ tăng doanh thu dịch vụ, lãi sau thuế cũng ghi nhận tăng 55% nhờ giảm chi phí vận hành và chi phí dự phòng. Đồng thời, NPL (gồm nợ bán cho VAMC) ước giảm còn 3,67% tính đến cuối quý 2, thấp hơn mức 4,04% cuối quý 2/2017.
Chiến lược lùi một bước tiến hai bước
Trở lại với thị trường đến cuối quý 4/2018, ông Huy cho rằng nhiều khả năng VN-Index sẽ quay về đỉnh cũ, với những luận điểm đã phân tích ở trên.
Tuy nhiên, nếu muốn nói cụ thể tăng khi nào thì khó, trong bối cảnh dòng tiền còn yếu và rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện hữu. Phân tích sâu về rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, ông Huy cho rằng thực tế việc thị trường biến động mạnh bởi tác động tâm lý, khi không một ai có thể dự đoán hay lường trước được hậu quả của căng thẳng trên. Và đến cuối năm 2018, tâm lý vẫn sẽ bị tác động như vậy. Song, với những can thiệp từ UBCKNN thời gian qua cũng phần nào ổn định được tâm lý cho thị trường, ông Huy nói.
Vậy, nhà đầu tư lúc này nên làm gì? Đại diện KIS khẳng định đây sẽ là thời điểm tốt nhất gom vào cổ phiếu. Thực tế, ông Huy không đánh giá cao những hỗ trợ trong quý 3 này, như vậy thị trường ngắn hạn sẽ còn dằng co một tháng. Và cũng là thời điểm chúng ta thực hiện chiến lược "lùi một bước tiến hai bước".
Bên cạnh ngân hàng, một số ngành khác được KIS đánh giá cao còn có điện, dầu khí và bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, ngành điện dự hưởng lợi khi tiêu thụ điện tăng và giá điện thị trường cạnh tranh năm nay ước tăng 70% so với năm ngoái. Còn với nhóm dầu khí, giá dầu tăng 35% thời gian qua, dự án lô B Ô Môn chính thức được triển khai từ tháng 8/2018 sẽ là điểm nhấn cho ngành. Riêng với bất động sản khu công nghiệp, dòng vốn FDI tăng và dự tiếp tục tăng là góc nhìn khá lạc quan của ông Huy đối với cổ phiếu ngành này, đồng thời giá thuê phía Nam cũng đang có xu hướng tăng 4,7% so với cuối năm 2017.
Trí Thức Trẻ