MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược lạ đời của ngân hàng đắt giá nhất thế giới: Giới hạn lượng nước uống, lưu lượng internet nhân viên sử dụng, muốn dùng phòng họp phải trả tiền!

28-10-2019 - 12:51 PM | Tài chính quốc tế

Cách kiểm soát nghiêm ngặt như vậy chỉ là một ví dụ về cách Ngân hàng Trung tâm châu Á thực hiện cắt giảm chi phí và thúc đẩy hiệu quả làm việc, giúp thu hút các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu của ngân hàng này tăng không ngừng kể từ năm 2000 (trừ năm 2008), với mức định giá là hơn 50 tỷ USD.

Vài tuần sau khi Armand Wahyudi Hartono trở thành phó giám đốc điều hành của ngân hàng ngoài quốc doanh lớn nhất Indonesia, ông nhận thấy các nhân viên luôn để lại một nửa ly nước sau khi kết thúc ngày làm việc. Sáng hôm sau, ông ra quy định hạn chế lượng nước uống có sẵn tại các trụ sở của Ngân hàng Trung tâm châu Á (BCA).

Cách kiểm soát chi phí nghiêm ngặt như vậy chỉ là một ví dụ về cách ngân hàng này thực hiện cắt giảm chi phí và thúc đẩy hiệu quả làm việc. Điều này đã thu hút các nhà đầu tư rót tiền. Giới đầu tư đã giúp công ty này luôn tiến lên phía trước kể từ khi niêm yết vào năm 2000, đưa giá cổ phiếu tăng lên hàng năm, trừ năm 2008 khi khủng hoảng tài chính diễn ra. Giờ đây, BCA là nhà cho vay đắt đỏ nhất thế giới với mức định giá lên đến hơn 50 tỷ USD. Chưa dừng ở đó, các nhà đầu tư vẫn không ngại mua cổ phiếu của công ty này.

Chiến lược lạ đời của ngân hàng đắt giá nhất thế giới: Giới hạn lượng nước uống, lưu lượng internet nhân viên sử dụng, muốn dùng phòng họp phải trả tiền! - Ảnh 1.

Diễn biến của cổ phiếu BCA trong năm nay, tăng mạnh so với JSEF.

Bharat Joshim giám đốc đầu tư tại Aberdeen Standard Investment Indonesia - nắm giữ 170 triệu cổ phiếu của BCA, nhận định: "Mức định giá của BCA được đảm bảo vì cổ phiếu của ngân hàng này có khả năng 'phòng thủ' tốt, đặc biệt là ở những thời điểm thị trường biến động. Chúng tôi thích ngân hàng này vì nhiều lý do, nhất là khả năng quản lý chặt chẽ và tài liệu ghi lại đã chứng minh điều đó."

BCA đang được hưởng lợi từ tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển ở Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Quốc gia với 260 triệu dân này được dự đoán sẽ chứng kiến đà tăng trưởng nhanh nhất trong 7 năm vào năm 2020, dù triển vọng ở các nước khác vẫn đang đi xuống. Ngoài ra, theo số liệu của NHTW Indonesia, nhờ một động lực thúc đẩy cho ngành ngân hàng, luồng tiền giao dịch trên các hệ thống điện tử gần như tăng gấp 3, kể từ năm 2017 khi Tổng thống Joko Widodo yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử để trả phí đường cao tốc.

Theo Taye Shim, giám đốc bộ phận thị trường vốn tại PT Mirae Asset Sekuritas Indonesia: "Người dân Indonesia đang ngày càng giàu có với tốc độ nhanh hơn dự đoán và họ cũng khôn ngoan hơn, tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Số lượng người không sử dụng/tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của quốc gia này tiếp tục ổn định về dài hạn và BCA là ngân hàng được những người giàu có ở Indonesia rất ưa thích."

Việc tập trung vào quản lý chi phí chặt chẽ là trọng tâm trong chiến lược phát triển của BCA. Ngoài đặt mức giới hạn về nước uống, họ còn hạn chế lưu lượng internet mà nhân viên sử dụng, ngay cả các nhân viên cấp cao cũng phải tuân thủ quy định này. Hơn nữa, phòng họp cũng không hề miễn phí: Các bộ phận phải trả tiền để sử dụng.

Chiến lược lạ đời của ngân hàng đắt giá nhất thế giới: Giới hạn lượng nước uống, lưu lượng internet nhân viên sử dụng, muốn dùng phòng họp phải trả tiền! - Ảnh 2.

Tỷ số P/B của BCA, cho thấy mức định giá của cổ phiếu này cao nhất trong số các nhà cho vay hàng đầu.

Ở mức 63%, BCA có tỷ lệ chi phí hoạt động thấp nhất trong số các ngân hàng giao dịch lớn nhất của Indonesia, theo số liệu của Bloomberg. BCA đưa ra mức lãi suất vận hành cao nhất trong số các nhà cho vay hàng đầu, và tỷ suất lợi nhuận hàng năm của công ty này trong suốt thập kỷ qua hầu như luôn trên 10%, chỉ trừ 2 năm. 

Ngoài ra, BCA cũng là ngân hàng nổi tiếng với việc luôn giữ nợ ở mức "lành mạnh". Tỷ lệ tổng dư nợ (NPL) là 1,4% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn nhiều mức 2,5% của cả ngành. Mới đây, Chủ tịch điều hành Jahja Setiaatmadja phát biểu rằng ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng là khoảng 11% vào năm nay.

Pauline Ng, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn châu Á tại JPMorgan Asset Management, nhận định: "Họ không chỉ giỏi trong việc thu hút lượng tiền gửi, họ còn có những chính sách bảo lãnh rất hợp lý. Vì được tư nhân điều hành, nên các quyết định được đưa ra luôn dựa trên cơ sở kinh tế. Theo chúng tôi, đây là ngân hàng tư nhân có hoạt động tốt nhất ở Indonesia."

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của BCA đã tăng 19%, vốn hoá được tăng thêm 9 tỷ USD. Ở mức định giá 54 tỷ USD, đây là nhà cho vay lớn nhất từ trước đến nay trong rổ chỉ số Jakarta Stock Exchange Finance Index. Hiện tại, cổ phiếu của BCA được giao dịch ở mức cao gấp 4,8 lần so với giá trị sổ sách, cao nhất trong số các ngân hàng trên toàn thế giới.

Giang Ng

Bloomberg

Trở lên trên