MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược mới của ông Tập Cận Bình: Trung Quốc vượt Mỹ, thẳng tiến tới "điều không thể ngăn cản"?

04-09-2020 - 15:31 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong hơn 1 thập kỷ nữa, bất chấp thái độ thù địch từ Washington - theo cơ quan nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc.

Dự báo Trung Quốc vượt Mỹ, thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

Dự báo được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (DRC), thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc.

Báo cáo của DRC phản ánh những quan điểm chủ đạo tại Bắc Kinh về sự thành công của chiến lược phát triển mới của chính phủ nhằm tập trung hơn vào thị trường quốc nội, giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ trong kinh tế, công nghệ và địa chính trị.

Báo cáo nhấn mạnh dự báo lớn rằng xu thế trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn cản.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 31/8 tái khẳng định nước này cần phải "tăng tốc" thực thi chiến lược "lưu thông kép" mà ban lãnh đạo Trung Quốc giới thiệu hồi tháng 5, bởi môi trường bên ngoài đã trở nên biến động và đối địch hơn với Bắc Kinh.

Chiến lược này được mô tả là sẽ từng bước hình thành chủ thể là "vòng lưu thông lớn" trong nước, "vòng lưu thông kép" trong nước và quốc tế nhằm tương hỗ thúc đẩy cục diện phát triển mới.

Theo nhóm nghiên cứu do Chen Changsheng - người phụ trách lĩnh vực nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại DRC - dẫn dắt, các bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục căng thẳng trong 5 năm tiếp theo.

"Không thể loại trừ việc Mỹ sẽ tận dụng tất cả biện pháp có thể nhằm kiềm chế Trung Quốc phát triển, bao gồm áp đặt các cấm vận tài chính lên doanh nghiệp Trung Quốc bằng cách lạm dụng quyền lực 'tay dài' của mình [để áp đặt luật lệ của Mỹ tại nước ngoài], chiếm đoạt trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ... và ép buộc các nước khác áp cấm vận công nghệ với Trung Quốc, cũng như loại bỏ Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD," báo cáo của DRC nêu.

Dù vậy, Bắc Kinh tin rằng những nhân tố trên không thể ngăn cản Trung Quốc vươn lên. DRC cho biết, thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt 18.1% vào năm 2025, so với 16.2% vào năm 2019, trong khi thị phần của Mỹ giảm xuống 21.9% từ mức 24.1% trong cùng kỳ.

Vào tháng 8, giáo sư Đại học Bắc Kinh, cựu kinh tế gia trưởng Ngân hàng thế giới (WB), ông Lin Yifu dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2030.

Chiến lược mới của ông Tập Cận Bình: Trung Quốc vượt Mỹ, thẳng tiến tới điều không thể ngăn cản? - Ảnh 1.

(Ảnh: EPA-EFE)

Rào cản với tham vọng của Bắc Kinh

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng Trung Quốc có thể không bao giờ vượt qua được Mỹ để vươn lên đứng đầu thế giới bởi tác động của sự già hóa dân số. Yi Fuxian, nhà khoa học cao cấp tại Đại học Wisconsin-Madison, lập luận rằng nhìn từ góc độ nhân khẩu học, Trung Quốc không thể vượt qua Mỹ trong tương lai gần.

DRC phân tích, trong 5 năm tiếp theo, cứ 5 người Trung Quốc thì sẽ có 1 người vượt quá 60 tuổi vào năm 2025. Đội ngũ lao động của quốc gia 1.4 tỷ dân cũng dự kiến sụt giảm khoảng 20 triệu người trong giai đoạn này.

"Hệ quả là, tiết kiệm sẽ giảm và chi phí lao động tăng... cùng với gánh nặng gia tăng về lương hưu, chăm sóc y tế cùng các phúc lợi xã hội thiết yếu khác," DRC nêu.

Cựu Bộ trưởng thưởng mại Trung Quốc Chen Deming cảnh báo hồi tháng 4/2019 rằng nước này "không nên đưa ra giả định rằng sớm hay muộn chúng ta sẽ trở thành Số 1".

Hãng cố vấn kinh tế Capital Economics công bố một báo cáo hồi tháng 1, nói rằng tác động của quá trình phi toàn cầu hóa sẽ làm xói mòn các ưu thế kinh tế của Trung Quốc trong những năm tới.

"Giả định được lan truyền rộng rãi rằng Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều khả năng sẽ được chứng minh là sai," báo cáo nêu.

Trung Quốc dự báo kinh tế toàn cầu tách thành 3 khối

Nhiều thay đổi mạnh mẽ trên thế giới trong năm nay - từ đại dịch Covid-19 hoành hành đến những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc - đang khiến viễn cảnh phát triển của kinh tế toàn cầu trở nên mơ hồ.

DRC đưa ra luận điểm rằng trong khi tăng trưởng GDP hàng năm bình quân của Trung Quốc dự kiến giảm xuống mức 5-5.5% trong 5 năm tiếp theo, so với 6.1% của năm 2019, thu nhập bình quân đầu người có thể tăng trưởng đến 14.000 USD vào năm 2024 và đưa Trung Quốc thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" để gia nhập nhóm nước có "thu nhập cao".

Theo DRC, quy mô nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2027 và vượt Mỹ vào năm 2032.

Chen Changsheng đã tham dự buổi tọa đàm do ông Tập Cận Bình chủ trì hồi tuần trước, thảo luận về tương lai kinh tế-xã hội Trung Quốc, nhằm chuẩn bị cho kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), kết quả nghiên cứu của nhóm ông Chen được kỳ vọng sẽ đưa vào các kế hoạch và chiến lược chính thức.

Báo cáo dự đoán cục diện kinh tế toàn cầu sẽ trải qua biến đổi lớn trong các năm tiếp theo khi các nước và doanh nghiệp đa quốc gia gia tăng đưa nhân tố "an ninh" vào trong thiết kế chuỗi cung cứng của mình, và kinh tế toàn cầu phân tách thành ba khối lớn: Bắc Mỹ, châu Âu, và Trung Quốc.

Các nhân tố quan trọng dự kiến thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai là "nền kinh tế số" cùng lĩnh vực dịch vụ, được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Thị phần lĩnh vực công nghiệp trong GDP có thể giảm xuống 35% vào năm 2025 (so với 39% năm 2019), trong khi thị phần dịch vụ tăng lên 60% (so với 53.9% năm 2019).

Các nhà nghiên cứu của DRC cũng lưu ý rằng tham vọng tạo ra thị trường trong nước khổng lồ cũng còn vấp phải khó khăn do tình trạng phân hóa giàu nghèo lớn và đang gia tăng.


Theo Hải Võ

Trí thức trẻ

Trở lên trên