MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh Mỹ - Trung Quốc đã thực sự hạ nhiệt?

20-12-2018 - 15:54 PM | Tài chính quốc tế

Ngay sau khi thỏa thuận đình chiến thương mại được thông qua, Trung Quốc đã có những động thái tích cực, cho thấy thiện chí giảng hòa với Mỹ trong vấn đề thương mại.

Cuộc chiến Mỹ - Trung Quốc bắt đầu nhen nhóm từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu vào đầu tháng 3, với lý do an ninh quốc gia và để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của các nhà sản xuất nước ngoài. Vào thời điểm đó, động thái này của Mỹ được cho là nhằm vào Trung Quốc với tai tiếng lâu nay là bán thép dư thừa với giá rẻ ra thị trường.

Từ đó cho tới đầu tháng 11, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc liên tục leo thang với loạt đòn thuế “ăn miếng trả miếng” của hai cường quốc.

Trung Quốc bắt đầu nhượng bộ

Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tưởng chừng bế tắc vì không ai chịu nhượng bộ, thì bất ngờ ông Trump đầu tháng 11 bật đèn xanh cho đàm phán thương mại giữa hai nước bằng việc cho phép Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Iran, quốc gia bị Mỹ tái trừng phạt từ ngày 5/11, trong 180 ngày. Đây có thể là một trong những động lực để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chịu ngồi xuống và đàm phán thương mại với Mỹ trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua.

Trên thực tế, trước khi thỏa thuận đình chiến 90 ngày được thiết lập, Trung Quốc buộc phải tìm đến nguồn thịt heo của Mỹ vì dịch cúm heo châu Phi ngày càng lan rộng, đe dọa đến nguồn cung của nước này.

Cuối tháng 11, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết Trung Quốc đã mua thịt heo của Mỹ với số lượng lớn. Cụ thể, Trung Quốc mua 3.348 tấn thịt heo và đơn hàng này sẽ được vận chuyển ngay trong năm nay. Cùng với đó, nước này đặt mua 9.384 tấn thịt heo cho năm 2019.

Nếu tính tổng cả hai, đây là đơn hàng lớn nhất mà Trung Quốc đặt mua từ Mỹ kể từ tháng 4/2017, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ. Trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ, Trung Quốc áp thuế trả đũa tới 62% đối với sản phẩm thịt heo nhập khẩu từ Mỹ. Việc Trung Quốc bất chấp mức thuế cao mà đặt mua thịt heo Mỹ chứng tỏ Chủ tịch Tập đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu cung trầm trọng.

Đến nay, Trung Quốc đã phát hiện hơn 80 khu vực nhiễm dịch cúm heo châu Phi trên khắp cả nước. Dịch bệnh này vẫn đang tiếp tục lan rộng, và trong tuần trước đã lan tới tỉnh Thanh Hải ở phía tây bắc Trung Quốc.“Nếu không được kiểm soát hiệu quả, dịch cúm heo châu Phi sẽ tiếp tục lan rộng sau Tết Nguyên Đán 2019 và thị trường sẽ thiếu thịt heo do nông dân không dám tăng đàn”, ông Lu Yanchun, người đứng đầu cơ quan theo dõi giá heo tại Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, thừa nhận.

Chiến tranh Mỹ - Trung Quốc đã thực sự hạ nhiệt? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày. Ảnh: CNN.

Đến ngày 1/12, Nhà Trắng ra thông báo cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày. Theo đó, ông Trump đồng ý không tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc tới ngày 1/3/2019. Thời điểm tiếp theo Mỹ dự kiến tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% là 0h01 EST (5h01 GMT) ngày 2/3/2019, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết.

Ngay sau khi hai bên đồng ý về thỏa thuận đình chiến, Trung Quốc bắt đầu nhập thêm dầu thô và đậu tương của Mỹ.

Đầu tháng 12, một số nguồn tin cho biết Tập đoàn dầu Trung Quốc Unipec dự định mua dầu thô từ Mỹ vào tháng 3/2019. Trước đó, Bắc Kinh ngừng nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.

Đến ngày 11/12, ông Trump cho biết Trung Quốc đang đặt mua đậu tương của Mỹ với khối lượng khổng lồ. Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận nước này đã đặt mua 1,13 triệu tấn đậu tương với thời gian giao hàng từ tháng 1 - 3/2019, đánh dấu đợt mua lớn đầu tiên của Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Tới ngày 18/12, các nhà nhập khẩu Trung Quốc tiếp tục đặt đơn hàng thứ hai. Theo một nhà giao dịch, trong đợt mua này các công ty quốc doanh Trung Quốc mua 15 lô, tương đương khoảng 900.000 tấn, đậu tương Mỹ cũng trong thời gian giao hàng như trên. Giá trị của số đậu tương này vào khoảng 300 triệu USD.

Ngoài nông sản, Trung Quốc cũng đưa ra một số cam kết liên quan đến lĩnh vực ôtô và công nghệ nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại với Mỹ.

Ủy ban Thuế thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 14/12 xác nhận sẽ giảm thuế đối với mặt hàng ôtô và phụ tùng nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/1/2019 và dự kiến kéo dài trong 3 tháng. Trước đó, Bắc Kinh nâng thuế đánh vào xe nhập khẩu từ Mỹ từ 15% lên 40% trong mùa hè năm nay, nhằm đáp trả việc Washington áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc.

Cũng trong thời gian này, một số nguồn tin quốc tế cho hay Trung Quốc đang cân nhắc ý định trì hoãn một số mục tiêu trong “Made in China 2025”, chiến lược nhằm đưa Bắc Kinh thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ.

Chiến tranh Mỹ - Trung Quốc đã thực sự hạ nhiệt? - Ảnh 2.

Chiến tranh Mỹ - Trung Quốc đã thực sự hạ nhiệt? Ảnh: CNBC.

Căng thẳng thương mại sẽ dịu xuống?

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ và Trung Quốc dự định tổ chức họp vào tháng 1/2019 với mục tiêu mở rộng thỏa thuận đình chiến thương mại. Ông Mnuchin cho biết hai bên nhiều lần trao đổi qua điện thoại trong những tuần gần đây và đang trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc thảo luận chính thức trước khi thỏa thuận đình chiến hiện tại hết hiệu lực vào ngày 1/3.

Tuy nhiên, phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm “Trung Quốc cải cách và mở cửa”, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: “Không ai có thể ra lệnh cho người dân Trung Quốc nên hay không nên làm gì. Chúng ta sẽ kiên quyết cải cách những thứ cần và có thể cải cách, không thay đổi những vấn đề không nên và không thể cải cách”.

Liệu câu nói này của ông Tập có khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc một lần nữa leo thang khi ông Trump với loạt đòn thuế quan lại muốn ép Trung Quốc phải dừng các hoạt động kinh doanh bị cho là thiếu công bằng.

Ông Trump cũng được cho là nhắm vào kế hoạch tham vọng “Made in China”, một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bắt kịp với phương Tây trong 10 lĩnh vực công nghệ chủ chốt, từ đó giảm sự phụ thuộc vào phương Tây cho công nghệ trong tương lai.

Theo Phan Vũ

Người đồng hành

Trở lên trên