Chiến tranh thương mại có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD
Một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 470 tỷ USD...
- 10-03-2018Hơn ai hết, ông Trump là người "hiểu rất rõ" chiến tranh thương mại!
- 08-03-2018Trung Quốc sẽ thắng Mỹ nếu chiến tranh thương mại nổ ra?
- 08-03-2018"Chiến tranh thương mại" chỉ là "chiêu" để ông Trump có được thỏa thuận NAFTA?
Một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 470 tỷ USD - một phân tích của Bloomberg Economics cho thấy.
Theo hãng tin Bloomberg, quyết định đánh thuế nhập khẩu ở mức cao đối với thép và nhôm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào tuần trước có thể mới chỉ là sự khởi đầu, bởi ông Trump đã cảnh báo sẽ còn đánh thuế thêm nhiều mặt hàng, trong khi các đối tác thương mại của Mỹ đều tuyên bố sẵn sàng đáp trả.
Hôm thứ Hai, bà Cecilia Malmstrom, quan chức phụ trách vấn đề thương mại của Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố sẽ "đứng lên chống lại những kẻ bắt nạt".
Phân tích của Bloomberg Economics đặt ra kịch bản Mỹ áp thuế 10% đối với các mặt hàng nhập khẩu và phần còn lại của thế giới đáp trả. Trong trường hợp đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm quy mô 0,5% trong thời gian từ nay đến năm 2020 so với nếu không có mức thuế quan như vậy.
Hai chuyên gia kinh tế Jamie Murray và Tom Orlik nói đó là một kịch bản cực đoan, nhưng "không còn là điều không thể xảy ra".
Các chuyên gia này nhận thấy chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng ở Mỹ có thể ảnh hưởng lan rộng khắp nền kinh tế thế giới theo nhiều cách.
Trong đó, lạm phát sẽ tăng lên, khiến sức mua của người tiêu dùng Mỹ giảm, dẫn tới xuất khẩu của các nền kinh tế khác bị ảnh hưởng tiêu cực. Các hành động trả đũa sẽ dẫn tới cú sốc lạm phát tại các quốc gia khác, và hàng hóa thay thế sẽ khiến hàng xuất khẩu của Mỹ "ra rìa".
Riêng đối với Mỹ, phân tích của Bloomberg Economics cho rằng quy mô của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nhỏ đi 0,9% trong thời gian đến năm 2020 so với trường hợp không có chiến tranh thương mại.
Lạm phát sẽ tăng nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể chỉ xem đây là sự gia tăng lạm phát tạm thời. Trên thực tế, nếu chiến tranh thương mại xảy ra, hầu hết các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có thể sẽ đứng trước lựa chọn khó khăn giữa một bên là kiềm chế tốc độ tăng giá cả và một bên là kích cầu.
Bloomberg Economics ước tính thương mại toàn cầu sẽ giảm 3,7% trong thời gian từ nay đến năm 2020 nếu có chiến tranh thương mại so với trường hợp không có một cuộc chiến như vậy xảy ra.
Ảnh hưởng của một cuộc chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế toàn cầu có thể được cảm nhận ngay trong năm nay, dù mới chỉ ở mức hạn chế. Tiếp đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm trong năm 2019 và giảm 0,3% trong năm 2020.
Hai vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng chiến tranh thương mại sẽ gây ảnh hưởng dài hạn tới GDP của thế giới, bởi thương mại giảm đồng nghĩa với cạnh tranh giảm và có thêm những rào cản mới đối với việc trao đổi công nghệ và các ý tưởng. Tất cả những suy giảm này đều ảnh hưởng xấu đến năng suất và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế thế giới.
Đây cũng là cảnh báo mà nhiều người đã đưa ra sau kế hoạch đánh thuế thép và nhôm của ông Trump, trong đó Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo "không ai được lợi gì" trong một cuộc xung đột thương mại toàn cầu.
Đức hiện đang là một trong những đối tác thương mại của Mỹ mà ông Trump "để mắt" bởi thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Ông Trump cũng từng nói EU đối xử với Mỹ "rất tồi tệ về thương mại".
VnEconomy