MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chiến tranh thương mại đem lại nhiều thách thức hơn là thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam”

VNDIRECT cho rằng giá cổ phiếu của ngành Dệt may sẽ đi ngang cho đến khi có thông tin tích cực hơn về thương mại quốc tế.

CTCK VNDIRECT vừa công bố báo cáo đánh giá tác động từ cuộc chiến thương mại đến doanh nghiệp Việt Nam.

Theo VNDIRECT, điểm sáng của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian qua là giành thêm thị phần tại Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Thị phần dệt may của Việt Nam tại thị trường Mỹ đã tăng từ mức 7,2% về khối lượng xuất khẩu và 11,7% về giá trị xuất khẩu trong năm 2018 lên tương ứng 7,8% và 11,8% trong 9T2019.

Tuy vậy, cuộc chiến thương mại đang mang đến nhiều khó khăn cho ngành dệt may hơn là lợi ích. Số liệu thống kê cho thấy số lượng và quy mô các đơn hàng đều sụt giảm do những lo ngại của khách hàng về bất ổn trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Bên cạnh đó, sự ổn định của tiền đồng so với USD từ đầu năm đến nay làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. VND đã đi ngang kể từ đầu năm 2019 (+0,1% so với đầu năm tính tại ngày 13/11/2019), trong khi đồng nội tệ của các nước đối thủ (như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan) mất giá mạnh hơn trong 9T2019. Vì vậy, sự mạnh lên của tiền đồng so với các quốc gia đối thủ cũng khiến xuất khẩu của Việt Nam phần nào gặp bất lợi.

Giá trị xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 24,6 tỷ USD trong 9T2019, tăng 9,6% yoy (thấp hơn mức tăng trưởng 16,5% yoy trong 9T2018). Hầu hết các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng chậm lại kể từ đầu năm nay. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 8,7% yoy trong 9T2019 (so với 11,8% yoy trong 9T2018). Các thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng giảm tốc với mức tăng trưởng chỉ còn 4,2% và 4,6% yoy trong 9T2019 (so với 11,4% và 24,2% yoy trong 9T2018).

Các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn trong bối cảnh chiến tranh thương mại

Kết quả kinh doanh 9T2019 mới nhất được công bố bởi các doanh nghiệp dệt may niêm yết cho thấy tổng doanh thu toàn ngành giảm 1,6% yoy và lợi nhuận sau thuế giảm 13,8% yoy.

“Chiến tranh thương mại đem lại nhiều thách thức hơn là thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam” - Ảnh 1.

Hơn một nửa các doanh nghiệp dệt may niêm yết lớn có mức tăng trưởng âm trong 9T2019 do (1) số lượng và quy mô các đơn hàng giảm xuống do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; và (2) biên LNG giảm do giá bán trung bình thấp hơn, đặc biệt là các nhà sản xuất sợi nguyên sinh.

Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp (STK, MSH, PPH, EVE) ghi nhận biên LNG tăng nhờ vào khả năng cải thiện cơ cấu sản phẩm trong bối cảnh giảm sút của ngành.

“Chiến tranh thương mại đem lại nhiều thách thức hơn là thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam” - Ảnh 2.

VNDIRECT cho rằng việc đáp ứng Quy tắc xuất xứ theo Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (từ sợi trở đi) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) (từ vải trở đi) vẫn còn là một thách thức do nút thắt trong khâu sản xuất vải.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu vải từ Trung Quốc (chiếm 58% tổng giá trị nhập khẩu dệt may). Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), để hưởng lợi từ các FTA, Việt Nam cần bổ sung 1,7 tỷ mét vải để sản xuất trong năm nay và năm 2020. Nếu không tìm nguồn cung từ nhập khẩu, Việt Nam cần đầu tư 1,7 tỷ USD cho sản xuất vải. Đến năm 2025, cả nước cần thêm 10 tỷ mét vải, tương đương với khoản đầu tư lên đến 10 tỷ USD.

Thận trọng trong ngắn hạn, nhưng lạc quan trong dài hạn

VNDIRECT đưa ra quan điểm Trung tính trong ngắn hạn đối với triển vọng của ngành Dệt may Việt Nam do những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra. Tuy nhiên, trong dài hạn, VNDIRECT vẫn đánh giá Tích cực đối với ngành nhờ vào lợi ích đáng kể từ các FTA.

Các điểm đến xuất khẩu đa dạng có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đảm bảo triển vọng tươi sáng cho ngành Dệt may, đặc biệt là khi Việt Nam giải quyết được nút thắt trong chuỗi giá trị. Giá sợi tại Trung Quốc có thể sẽ phục hồi sau khi giảm xuống mức đáy 3 năm khi Trung Quốc và Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu về việc tiến tới đàm phán lại về việc loại bỏ thuế quan. 

VNDIRECT cho rằng giá cổ phiếu của ngành Dệt may sẽ đi ngang cho đến khi có thông tin tích cực hơn về thương mại quốc tế.

“Chiến tranh thương mại đem lại nhiều thách thức hơn là thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam” - Ảnh 3.

Cổ phiếu dệt may có diễn biễn không thực sự tích cực thời gian gần đây

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên