Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và giải pháp ứng phó của Việt Nam
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là do thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc nên Tổng thống Mỹ đòi đàm phán lại các điều kiện thương mại cân bằng hơn cho hàng hóa của Mỹ. Tuy nhiên, nguyên nhân thực chất là vì lợi ích quốc gia của Mỹ trên các mặt thương mại, đầu tư, nhượng quyền và tài sản trí tuệ.
Quan điểm này được đưa ra tại tọa đàm do Chương trình Thạc sĩ Điều hành cao cấp – Executive MBA, Đại học Kinh tế quốc dân vừa tổ chức. Tham gia tọa đàm có trên 100 đại biểu là các nhà khoa học của Nhà trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các doanh nghiệp, địa phương là học viên, cựu học viên Chương trình như: Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1, Bà Phương Minh Huệ, CEO Tập đoàn Việt Phương, Ông Lăng Dực Tùng, Phó TGĐ Công ty Công trình Điện Kaidi Vũ Hán, Trung Quốc…
Tọa đàm cho rằng bản chất đây là cuộc xung đột về lợi ích giữa một Donal Trump quyết liệt đặt vấn đề lợi ích quốc gia làm trọng, tăng trưởng, việc làm… cho nước Mỹ với một Trung Quốc của Tập Cận Bình toán tính theo đuổi chính sách một vành đai, một con đường, giấc mơ Trung Hoa hay Made in China 2025…
Theo nhiều ý kiến tại tọa đàm thì căng thẳng hai bên sẽ đạt đến điểm mà Trung Quốc sẽ phải bí mật xuống thang đàm phán với Mỹ để dàn xếp lợi ích, bởi nếu Trung Quốc vẫn cứng rắn cho rằng với 12.000 tỷ USD quy mô nền kinh tế, cơ cấu 70% là tiêu dùng nội địa, 30% xuất khẩu trong đó xuất sang Mỹ chưa đến 5% nên Mỹ có đánh thuế toàn bộ cũng không phải tổn hại quá lớn hay sử dụng biện pháp trả đũa khác như bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, hoặc phá giá đồng tệ… thì khả năng thất bại là rất cao.
Kinh tế Việt Nam đã có độ mở gần 200% nên sẽ chịu nhiều tác động nhưng cần bình tĩnh suy xét những biện pháp đối phó, nhất là chính sách phá giá tiền tệ sẽ dẫn đến mất ổn định kinh tế vĩ mô, gây lạm phát. Vì vậy cần thiết phải linh hoạt điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp với chính sách của cả Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam nên đẩy mạnh thu hút vốn FDI và chọn lọc các dự án công nghệ cao đang có trào lưu rời Trung Quốc; tranh thủ ủng hộ quốc tế và của Mỹ nhằm tiếp nhận công nghệ cao qua FDI.
Các doanh nghiệp nên tái cơ cấu tài chính và tài sản nhằm đối phó kịch bản xấu nhất về khủng hoảng. Nếu tỷ giá thay đổi sẽ gây áp lực tăng giá hàng hóa, nếu tăng cao và kéo dài sẽ gây lạm phát và lãi suất sẽ tăng cao… Vì vậy, tái cơ cấu tài chính và giảm hiện trạng lệ thuộc quá lớn vào vốn vay, tài sản kém hiệu quả…
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ cả hai đối tác vì Việt Nam xuất siêu sang Mỹ và Nhập siêu từ Trung Quốc. Hai đợt đánh thuế đầu tiên thì doanh nghiệp Việt Nam ít chịu ảnh hưởng vì đợt 1 chỉ có ngành thép trong danh mục, đợt 2 đánh vào hàng trung gian và hàng điện, điện tử nên những mặt hàng của các tập đoàn lớn như Samsung, LG… có nhiều mặt hàng trung gian trong chuỗi bị ảnh hưởng mạnh nhất. Đợt 3, nhóm hàng tiêu dùng mà Trung Quốc cùng cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam bị ảnh hưởng nên các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội khi các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ dịch chuyển sang tìm kiếm các đơn hàng nước khác thay thế.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ dẫn đến việc hàng Trung Quốc hiện đang có lợi thế rẻ hơn sẽ cạnh tranh mạnh hơn ở các thị trường ngoài Mỹ. Nếu kịch bản đánh thuế với toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam mới có lợi khi xuất khẩu các mặt hàng tương đồng với Trung Quốc vào Mỹ.
Dưới sự bảo trợ của Chương trình Executive MBA, Đại học Kinh tế quốc dân, một chương trình đào tạo dành riêng cho các nhà quản lý, lãnh đạo khu vực nhà nước và doanh nghiệp, đây là một hoạt động được tổ chức thường kỳ nhằm tăng cường gắn kết nội dung đào tạo trên lớp với thực tiễn; cung cấp đến người học và xã hội những thông tin, tri thức mới, cập nhật về kinh tế, quản lý và QTKD.
Chương trình đang tuyển sinh khoá 8, đợt 2 năm 2018.
Mọi thông tin được cung cấp trên website: http://sdh.neu.edu.vn
Số điện thoại tư vấn tuyển sinh: 088 8278929