Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam bị ảnh hưởng lâu dài
VCCI và các chuyên gia vừa lên tiếng về những tác động mới sẽ xảy ra với kinh tế Việt Nam sau khi gói đánh thuế thứ hai trị giá 200 tỷ USD của Mỹ sẽ được xem xét thông qua sau ngày 6/9. Theo tính toán, GDP Việt Nam sẽ giảm 0,03% năm 2018 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ làm GDP Việt Nam giảm hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm.
- 26-08-2018Giải mã những điểm khó hiểu trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cơ hội của Việt Nam
- 18-08-2018Cẩn trọng với mọi biến cố từ chiến tranh thương mại
- 14-08-2018Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: “Không phải là thời cơ để gia tăng xuất khẩu”
Trong báo cáo chuyên đề mới nhất về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay, những biện pháp bảo hộ-trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, đặc biệt trong lâu dài.
Theo đánh giá của Trung tâm WTO, với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, ở chiều tích cực, một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội thị trường bị bỏ ngỏ từ các lệnh áp thuế để tăng xuất khẩu vào cả hai nước. Căng thẳng về đầu tư Mỹ-Trung Quốc cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ.
Tuy nhiên, ở chiều tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác. Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc cũng sẽ khó khăn hơn.
“Trong lâu dài, nếu cuộc chiến này lan rộng, khó ai có thể biết được điều gì. Đó có thể là những thị trường đột nhiên bị bỏ trống, tạo cơ hội cạnh tranh mới cho hàng hóa Việt Nam. Nhưng đó cũng có thể là luồng thương mại dịch chuyển sang các thị trường thay thế sự chuyển dịch của dòng đầu tư có thể ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đến các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam”, Trung tâm WTO nhận định.
Theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia), việc Mỹ thay đổi Luật thuế mới cũng có thể khiến các công ty Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam xem xét lại các chiến lược đầu tư hoặc có thể rút lợi nhuận từ Việt Nam để chuyển về Mỹ, thay vì tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cùng đó, sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp FDI đang tận dụng lợi thế chi phí rẻ, từ đó khiến sức cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm tương đối.
Không để bị lợi dụng trong xuất khẩu
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hệ quả của cuộc chiến thương mại thế nào rất khó nói hết ngay. Theo bà Lan, cuộc chiến thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ còn leo thang. Nhất là khi Mỹ đang hướng tới việc ngăn chặn khả năng Trung Quốc thực hiện kế hoạch tương lai về tăng cường xuất khẩu hàng công nghệ cao cạnh tranh trực diện với Mỹ đến 2025.
Trong quan hệ thương mại song phương, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Khi hai thị trường lớn xảy ra xung đột, cần phải “biết lo trước” về những mặt tiêu cực sẽ xảy ra. Hiện Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo về việc nhiều mặt hàng thịt bò từ Mỹ có thể thông qua Việt Nam để sang Trung Quốc. Khi đó, Việt Nam sẽ là nước tiếp tay để tránh thuế. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng có thể tận dụng Việt Nam là nơi để gắn mác hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ.
“Chúng ta là nước đứng thứ 5 về xuất siêu sang Mỹ nên nếu trở thành nơi “chế biến sơ” hàng hóa xuất khẩu để né thuế, khi đó chúng ta rất dễ bị chịu những lệnh trừng phạt về kinh tế. Đây là điều hết sức tránh để các nước lợi dụng Việt Nam trong xuất khẩu. Thép Việt Nam đã bị Mỹ, Úc áp tăng thuế trong năm ngoái là bài học đã xảy ra”, bà Lan phân tích.
Tiền phong