Chiêu lách luật của xe đạp, xe máy điện lậu để tràn vào thị trường Việt Nam
Không còn được bày bán tràn lan và công khai, các loại xe đạp điện, xe máy điện lậu đã có những chiêu tinh vi hơn để qua mặt cơ quan chức năng.
- 13-09-2020Vắng khách mua xe máy điện
- 10-09-2020Xe máy Honda "nếm mùi" sụt giảm mạnh
- 07-09-2020Hà Nội thí điểm hỗ trợ đổi xe máy cũ nát lấy xe máy mới
Thị trường xe đạp, xe máy điện l à một phân khúc tiềm năng với mức tăng trưởng trên 30%/năm. Với hàng triệu xe được bán ra và lưu thông trên thị trường mỗi năm, mang lại nguồn thu không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối.
Nhưng có một thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều sản phẩm xe điện (chủ yếu là xe đạp điện) lậu, xe không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lượng xe này không được cơ quan chức năng kiểm tra và quản lý về chất lượng nhưng vẫn bán ra thị trường với số lượng lớn. Vậy các mẫu xe này đã “qua mặt” cơ quan chức năng như thế nào?
Khá “gay gắt” khi được hỏi về vấn đề xe nhập lậu, ông Đoàn Ngọc Linh, CEO hãng xe điện Pega cho rằng có tới 90% các loại xe đạp và linh kiện trên thị trường đều không rõ nguồn gốc. Các loại xe đạp và linh kiện xe đạp điện nhập lậu theo con đường tiểu ngạch. Các loại xe bán trên thị trường không có tem hợp quy, không đầy đủ giấy tờ hóa đơn cũng như nguồn gốc xuất xứ.
Một mẫu xe điện bị "tố" không có đủ giấy tờ và tem hợp quy |
“Quy định hiện hành chưa yêu cầu người đi xe đạp điện phải đi đăng ký biển kiểm soát như xe máy điện, nên khách hàng cũng không quan tâm đến việc tem nhãn, giá trị hóa đơn trên xe hay những giấy tờ khác liên quan đến xe. Vì vậy các đơn vị nhập lậu lợi dụng kẽ hở này để trục lợi”, CEO Pega nói.
Ông Linh cho biết các dòng xe này đa phần có chất lượng kém bởi linh kiện đầu vào không đảm bảo được chất lượng. Rất nhiều chủng loại đang làm nhái kiểu dáng của các mẫu xe thương hiệu nhưng cơ quan quản lý không xử lý được.
Mẫu xe điện nhái (bên phải) kiểu dáng của các xe chính hãng |
Lãnh đạo một hãng xe điện cho biết: Nhiều mẫu xe được nhập lậu về thị trường Việt Nam qua đường tiểu ngạch, có xe được lắp ráp ngay trong nước nhưng không có giấy tờ kiểm định.
Một công ty xe điện Việt Nam đề nghị không nêu tên cho biết: "Hiện các đơn vị lắp ráp tại Việt Nam nhập khẩu các linh kiện xe máy điện và khai giá thấp. Thông qua 1 vài công ty "ma" tại các cửa khẩu, các công ty này chia nhỏ phần linh kiện ra để được coi là lắp ráp và hưởng thuế ưu đãi dưới 15%. Với 1 xe bán ra thị trường có giá khoảng 13 triệu đồng thì hóa đơn xuất chỉ tầm từ 3-5 triệu".
Ngoài ra, đại diện một hãng xe điện lớn cũng khẳng định "Tại Việt Nam hiện đang tồn tại loại hình xe đạp điện trá hình, với các thông số tương đương xe máy điện như trọng lượng >40kg, tốc độ >25km/h. “Các loại xe này đang được sản xuất và lưu hành không đúng theo thực tế, cạnh tranh không lành mạnh với các công ty xe máy điện chính hãng”, đại diện hãng xe điện này chia sẻ thêm.
Công khai hướng dẫn tháo dây hạn chế tốc độ cho xe đạp điện |
Nói thêm về vấn đề này, một người trong ngành cho biết sau khi các cơ quan quản lý siết chặt tiêu chuẩn đối với xe đạp điện thì loại xe "trá hình" này đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, khi ra thị trường, các đại lý lại sẵn sàng kích tốc cho các loại xe đạp điện để “chiều” khách. Thực tế thị trường cho thấy, một số thương hiệu còn công khai hướng dẫn cách tháo bỏ dây hạn chế tốc độ để tăng tốc cho xe. Điều này có thể dẫn đến những nguy hiểm khi tham gia giao thông, nhất là khi đối tượng sử dụng của loại xe này thường là học sinh.
Trong khi một số công ty xe điện của Việt Nam cung cấp thông tin nhưng không muốn nêu tên, thì một số doanh nghiệp xe điện khác khác từ chối trả lời vấn đề này vì “ngại va chạm”.
Đối với mặt hàng xe máy điện, do quy trình quản lý bằng biển số nên chất lượng được siết chặt hơn. Nghĩa là để được lưu thông, người mua hàng cần có hóa đơn và giấy tờ đăng kiểm để được cấp biển số.
Một số hóa đơn bán hàng xuất ra thấp hơn giá trị hàng hóa |
Tuy nhiên, loại xe này lại lách luật bằng cách khai thấp hơn hóa đơn. Chẳng hạn, các đơn vị nhập lậu khi thông quan sẽ khai thấp hơn giá trị thực nhập từ 30% - 50% để trục lợi phần chênh lệch từ thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu. Trong khi đó, khi bán hàng cho khách, hóa đơn bán lẻ xuất ra cũng thấp hơn so với giá niêm yết hoặc số tiền khách hàng phải bỏ ra mua sản phẩm. Khai giá hóa đơn thấp hơn sẽ giảm tiền phí ra biển, do đó, khách hàng thấy được lợi nên cũng chấp nhận.
Theo chủ một hệ thống phân phối xe điện lớn tại Hà Nội cho biết các loại xe đạp điện lậu không còn được bán tràn lan và công khai như vài năm trước nữa. Hiện nay chỉ còn một vài cửa hàng bày bán mặt hàng này. “Ở Hà Nội, số này là không đáng kể và chủ yếu là các cửa hàng nhỏ, lẻ với số lượng không nhiều”, vị này nói.
Không bán công khai, nhưng nhiều cửa hàng vẫn có bán loại này cùng với các mặt hàng chính hãng khác để phục vụ cho những người có nhu cầu mua giá rẻ. Các mặt hàng này không có đủ giấy tờ chứng nhận và giá rẻ hơn khoảng 30-40% so với giá hàng chính hãng. “Người bán sẽ nói thẳng, việc chấp nhận hay không là của người mua”, chủ hệ thống xe điện tại Hà Nội chia sẻ.
Ngoài ra còn có tình trạng nhập lậu xe đạp điện từ Trung Quốc về sau đó được phù phép bằng việc làm giả các giấy tờ chứng minh về nguồn gốc xuất xứ để bán ra thị trường hoặc xuất khẩu đi các nước. Một vài năm trở lại đây, đã có không ít các vụ việc do lực lượng chức năng bắt giữ khi kiểm tra. Theo đó, nhiều cửa hàng không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Trên thực tế, do nhu cầu tiêu thụ lớn nên không ít cơ sở sản xuất hoặc bán hàng đã “phù phép” hoặc tìm cách hợp thức hóa các sản phẩm này để thu lợi.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Pega: Một số hãng xe lậu không nguồn gốc xuất xứ, không có tem hợp quy của cơ quan đăng kiểm cấp, làm nhái một số mẫu mã của các thương hiệu khác có xe bán chạy. Điều này gây nhầm lẫn cho khách hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín cũng như doanh thu của các công ty. Thậm chí, một số mẫu xe ngang nhiên dán tem phiếu giả của cơ quan Đăng kiểm và ngang nhiên bày bán công khai trên thị trường.
Một thực tế hiện nay là ở vùng nông thôn nhiều người vẫn tìm đến các mặt hàng giá rẻ. Chủ hệ thống phân phối xe điện nói trên cho biết: "Xe chất lượng kém xuất hiện ở các tỉnh lẻ và thường ở mức giá 6- 12 triệu đồng. Hình thức làm giả rất tinh vi, kiểu dáng thì hoàn toàn giống nên khách hàng khó phân biệt". Thậm chí, nhiều người mua không biết đó là hàng không rõ nguồn gốc nhưng vẫn chấp nhận mua vì mức giá rẻ hơn nhiều hàng chính hãng”. Điều này khiến cho việc lưu thông của các mẫu xe này tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.
ICT News