Chiếu tia laser làm tổn thương mắt phi công, uy hiếp an toàn bay
Liên quan đến việc chiếu tia laser vào tàu bay khi đang cất hoặc hạ cánh, ông Nguyễn Đắc Tuấn, Phó Chánh văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia cho biết, việc chiếu tia laser vào tàu bay khi đang cất hoặc hạ cánh tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng có thể gây tổn thương mắt phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời tàu bay.
Không phải hoạt động khủng bố
Trả lời báo chí chiều nay (23/6), ông Tuấn cho rằng, trong thời gian qua xảy ra một số vụ việc chiếu tia laser đến nay chưa ghi nhận gây ra hậu quả gì. Tuy nhiên, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia có Chỉ thị 02/CT-UBANHK ngày 4/3/2016 gửi đến Ban Chỉ huy khẩn nguy hàng không địa phương xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát, phát hiện và có biện pháp khuyến cáo tổ chức, cá nhân xung quanh khu vực Cảng hàng không, sân bay không sử dụng đèn chiếu tia laser gây nguy hiểm cho hoạt động bay để ngăn chặn hành vi này.
“Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo các quốc gia ngăn ngừa việc sử dụng đèn laser làm ảnh hưởng hoạt động bay, quy định vùng bảo vệ cho hoạt động bay. Việc tìm kiếm các vụ việc chiếu tia laser các đơn vị công an địa phương đang vào cuộc và chắc chắn thời gian tới sẽ hạn chế và không xảy ra hiện tượng này nữa,” ông Tuấn khẳng định.
Đặt câu hỏi có ý kiến cho rằng, việc sử dụng chiếu tia laser vào tàu bay đang hoạt động là hoạt động khủng bố hay các đối tượng chống phá về an ninh hàng không, ông Tuấn thẳng thắn bác bỏ và quả quyết, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia chưa nhận được thông tin nào về các tổ chức khủng bố nhưng theo đánh giá nếu sử dụng chiếu tia laser vào tàu bay, phi công sẽ gây nguy hiểm đến an ninh, an toàn hàng không.
Theo ông Tạ Minh Trọng, Phó trưởng phòng tiêu chuẩn An toàn bay, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, trong quá trình cất hạ cánh, phi công tập trung xử lý, không được phân tán tư tưởng. Khi laser chiếu vào buồng lái trong quá trình máy bay hạ cánh làm phi công phân tán tư tưởng, xao lãng.
“Bức xạ tia laser không quan trọng nguồn sáng lớn hay yếu, nếu lớn thì ảnh hưởng đến mắt thậm chí gây mù tạm thời sẽ dẫn đến mất khả năng nhận biết. Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia chưa xác định được cường độ tia laser cao bao nhiêu, có thể là trò nghịch ngợm, nhưng ảnh hưởng đến an toàn bay nghiêm trọng. Do đó, các lực lượng chức năng phải kiểm tra để vấn đề này không phát triển và tái diễn để các đối tượng không sử dụng laser vì mục đích gì khác, kể cả là trò đùa,” ông Trọng nói.
Không có kỹ thuật nào để phá nguồn laser
Bên cạnh đó, ông Trọng cho rằng, đèn laser có nhiều loại, khi phát hiện có hiện tượng chiếu tia laser, phi công chỉ báo có đèn laser chiếu, đường kính nào đồng thời cố gắng dùng mọi biện pháp để tránh và không cố gắng xác định nguồn sáng to hay bé.
“Hiện giờ ICAO đưa ra hướng dẫn vùng nào là vùng nhạy cảm sân bay, các Cảng hàng không đang thiết lập vùng hạn chế thiết bị laser nào được sử dụng hay không, bán kính là bao nhiêu, vùng đường tiếp cận và đường cất hạ cánh? Thực tế hiện nay không có kỹ thuật nào để phá nguồn laser, phi công có thể xử lý bằng mọi biện pháp để tránh nguồn laser này,” vị Phó trưởng phòng tiêu chuẩn An toàn bay, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia nhấn mạnh thêm.
Là phi công có thâm niên lái máy bay 38 năm, trải qua các loại máy bay Liên Xô trước kia và hiện là cơ trưởng của dòng máy bay Boeing 787, Cơ trưởng Đinh Đức Tuấn, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thừa nhận thực tế, bức xạ tia laser được ICAO đánh giá uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay, làm tổn hại mắt phi công.
Trong lúc phi công tập trung cao độ cất hạ cánh, tia laser chiếu vào gây xao lãng, mất kiểm soát trong phương hướng trong một khoảng thời gian. Đưa ra biện pháp xử lý khi tia laser chiếu vào buồng lái, Cơ trưởng Tuấn bày tỏ quan điểm, phi công hết sức bình tĩnh, không được dụi mắt và đánh giá tình huống đồng thời sử dụng hệ thống lái tự động để có thời gian giảm công việc. “Nếu cần thiết chuyển quyền điều khiển cho phi công bên cạnh.
Trong trường hợp cất hạ cánh thì dừng hoặc đổi đầu đường băng khác để tránh tia laser đồng thời viết báo cáo với kiểm soát viên không lưu, nhà chức trách vị trí tia laser, màu gì, bức xạ là tia hay chùm...,” Cơ trưởng Tuấn khuyến nghị. Ngoài ra, vị Cơ trưởng này cũng cho biết, ICAO đã có tài liệu hướng dẫn tất cả các phi công được tập huấn và nghiên cứu xử lý tình huống đối phó với việc tia laser chiếu vào buồng lái hay trong quá trình cất hạ cánh./.
Việc sử dụng tia laser đã được quy định trong Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Cụ thể, khoản 9, điều 3 của Pháp lệnh quy định rõ, công cụ hỗ trợ gồm: “Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laser, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này”.
Khoản 4 điều 4 quy định: “Người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiêm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng.”
Vietnam+