Chiêu trò lừa đảo du lịch
Lợi dụng tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, các đối tượng tội phạm đã gia tăng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức.
- 15-08-2024Sợ bị đọc trộm tin nhắn, sử dụng tính năng bí mật này
- 15-08-2024Sau quyết định cắt giảm 15.000 nhân sự, Intel có động thái đáng chú ý tiếp theo khi "cuộc đua" ngành chip ngày càng gay gắt
- 15-08-2024Meta 'khai tử' công cụ theo dõi thông tin sai sự thật CrowdTangle
Lừa đảo du lịch không phải là khái niệm mới
Ngày 25/6 vừa qua, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc (SN 1997, ở Lai Châu) mức án 8 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Liên quan đến vụ án, bị cáo Nguyễn Tấn Hoàng (SN 1996, ở Khánh Hòa) và Trần Hà Mi (SN 1996, ở Quảng Ninh) lần lượt nhận mức án 24 và 15 tháng tù về cùng tội danh.
Theo cáo trạng, cả ba đối tượng này, cùng một người bạn quen biết trên mạng xã hội Telegram tên Sam (là người Việt Nam, sinh sống tại Campuchia, chưa rõ thân nhân, lai lịch) cùng phối hợp đăng bài quảng cáo dịch vụ đặt tour du lịch (gồm đặt phòng khách sạn, vé máy bay giá rẻ) tại các hội nhóm trên Facebook và đưa ra mức giá thấp hơn mặt bằng giá thị trường để thu hút, dụ dỗ những người có nhu cầu mua vé, sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc. Tổng số tiền mà các đối tượng này chiếm đoạt của người bị hại gần 500 triệu đồng.
Lừa đảo du lịch không phải là khái niệm mới, cách đây hơn 1năm, Bộ Công an Bộ Công an đưa ra năm phương thức lừa đảo mùa du lịch phổ biến mà người dân dễ bị "sập bẫy". Trong đó, Bộ Công an cũng nhấn mạnh đến phương thức, nhóm người lừa đảo sẽ đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% rồi chiếm đoạt.
Mới đây nhất, ngày 10/8, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo người dùng mạng xã hội cẩn trọng mắc bẫy lừa đảo này. Cụ thể, Cục An toàn thông tin cho biết, đối tượng lừa đảo đã truy cập vào trang Fanpage có tên gọi “Review Cô Tô tất tần tật” trên facebook để tìm kiếm những người có nhu cầu mua vé và đặt phòng khách sạn. Khi có người đăng bài trên Fanpage, đối tượng chủ động liên hệ, giới thiệu về phòng khách sạn và các dịch vụ mà mình cung cấp. Khi dụ dỗ được khách lựa chọn dịch vụ của mình và chuyển tiền đặt cọc, đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền này.
Qua theo dõi vụ việc gần đây, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Chi nhánh Saigon Tourist thông tin, gần đây facebook của trưởng phòng hướng dẫn Saigon Tourist bị mạo danh một tên gọi khác. Tài khoản này, lấy tên một công ty tổ chức tour có một tên gọi tương tự Lữ hành Sài Gòn tourist và lệnh chuyển khoản của họ cũng gửi đến một thông tin gần giống thông tin chuyển khoản của công ty mà không phải là cá nhân.
"Việc lừa đảo tinh vi này ngày càng rộng khắp và nguy hiểm khi mà hành ảnh của nhân viên của chúng tôi cũng được lấy và đăng tải như một trang chính thống. Nếu khách hàng nào không tinh ý, thông thái để nhận biết được thì rất dễ bị lừa đảo"- bà Thu cảnh báo.
Ngoài ra, có một tình huống nữa, theo phản ánh của bà Nguyễn Hoài Thu, mới đây khách hàng đến tận trụ sở công ty phản ánh về việc ứng tuyển nhân viên Saigon Tourist. Theo lời kể của bị hại, người này đã tham gia ứng tuyển trên mạng nhưng được lưu ý là phải đặt cọc trước nhiều triệu đồng để chắc chắn hơn. Khi đến ngày hẹn để tuyển dụng chính thức, khách đến văn phòng và được biết dân sự giao dịch bấy lâu nay không phải là nhân sự của Saigon Tourist.
"Những thông tin này chúng tôi đã báo cáo với công an địa phương để cùng phối hợp giải quyết" - bà Thu cho biết.
Dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, đây là những thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về chế tài hành chính, theo luật sư Hùng, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, tại điểm c Khoản 1 Điều 15 quy định: Các hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ).
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu là người nước ngoài vi phạm sẽ bị trục xuất (Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ).
Về trách nhiệm hình sự, luật sư Hùng thông tin, tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” thì sẽ phạm “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tội danh này có loại và mức hình phạt quy định là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuyệt đối cảnh giác thông tin trên mạng
Trước thực tế trên, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc chi nhánh Saigon Tourist khuyến cáo người dân tuyệt đối cảnh giác với các thủ đoạn tinh vi như: Tuyển Cộng tác viên (CTV) làm việc online với các nhiệm vụ: Like, Share, tăng tương tác, đánh giá các trang du lịch và nhận hoa hồng ngay; yêu cầu chuyển khoản phí cam kết.
Cùng với đó là hành vi giả mạo giấy tờ, giả mạo cán bộ, nhân viên lữ hành một cách tinh vi trên các kênh mạng xã hội hoặc sử dụng hotline giả mạo để tuyển dụng nhân sự, tư vấn các dịch vụ, bán tour giá rẻ yêu cầu chuyển khoản cọc.
Theo bà Thu, khách hàng cũng nên kiểm tra kỹ lưỡng thông tin liên hệ, website chính thức của công ty lữ hành trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Đồng thời, cảnh giác với các chương trình khuyến mãi quá hấp dẫn.
Không nên tin vào các chương trình khuyến mãi có giá quá rẻ so với thị trường không xuất hiện trên các kênh chính thức của các công ty lữ hành. Chỉ thực hiện thanh toán khi đã xác minh rõ ràng thông tin và dịch vụ qua các kênh thanh toán, kênh tư vấn chính thức của công ty lữ hành.
Về phía công ty Lữ hành Saigontourist, bà Thu cho biết, công ty không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển khoản vào tài khoản cá nhân. Tất cả các giao dịch đều được thực hiện qua tài khoản chính thức tại TP.HCM và 18 chi nhánh. Do đó, khi có nghi ngờ, khách hàng hãy liên hệ trực tiếp với văn phòng và các chi nhánh trên toàn quốc hoặc qua các kênh thông tin chính thức để được hỗ trợ.
VOV