MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ đề nghị Quốc hội giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Chính phủ đề nghị Quốc hội miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách với khu vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, trong đó có giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.Việc tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7 theo lộ trình trước đây cũng được Chính phủ đề nghị tạm hoãn.Chính phủ còn đề nghị Quốc hội cho phép chuyển đổi 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sang đầu tư công.


Báo cáo Quốc hội tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV hôm nay (20/5), Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới. Trước tiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách đối với lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, bao gồm cả việc giảm thuế thu nhập với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tiếp nữa, Chính phủ còn đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu, từ ngày 1/7. Việc này góp phần chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và Chính phủ có thêm nguồn lực cho mục tiêu cấp bách khác.

Đồng thời, việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021 cũng được Chính phủ đề nghị. Theo đó, 2021 sẽ ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 nhằm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư công. Theo đó, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm nay giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển của 2020. Đồng thời, Chính phủ được phép thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Chính phủ còn đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu. Ví dụ như gói kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp...

Trong báo cáo bổ sung tình hình - kinh tế xã hội 2019 của Chính phủ cho thấy 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt. Nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo với Quốc hội. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% thay vì 6,8% như báo cáo trước đó. Đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 517 tỷ USD, xuất siêu hơn 11 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 9,9% dự toán; nợ công ở mức 54,7% GDP (đã báo cáo 56,1%).

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến 19/6 và chia thành hai đợt.

Đợt 1 họp trực tuyến sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố (từ 20/5 đến 4/6).

Đợt 2 từ ngày 10/6 đến 19/6 sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Điểm khác biệt của kỳ họp thứ 9 là Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể. Thay vào đó, đại biểu Quốc hội gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên