Chính phủ được đề nghị báo cáo đậm nét hơn về chống tham nhũng
Đây là đề nghị hiếm khi xuất hiện tại báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...
- 22-02-2018Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI 2017: Việt Nam có tín hiệu tích cực
- 02-01-2018Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng
- 24-08-2017Dự án BOT: Rủi ro tham nhũng rất lớn nếu DN làm hết
Mở đầu phiên họp thứ 24, sáng 14/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Quản lý tài sản công chưa chặt chẽ
Theo đánh giá của Chính phủ thì công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân.
Nhấn mạnh những vấn đề cần có đánh giá cụ thể hơn, Uỷ ban Kinh tế, cơ quan chủ trì báo cáo thẩm tra nêu rõ, quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự.
Cơ quan thẩm tra cho rằng cần báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí, bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trong quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước.
Đề nghị tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Liên quan đến phòng chống tham nhũng, trả lời kiến nghị của cử tri, Thanh tra Chính phủ thừa nhận, trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Năm 2017 kết quả thu hồi cũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, có ý kiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa nêu một cách toàn diện nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và cơ quan chịu trách nhiệm.
Tăng cường giải trình các vấn đề nóng
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số vấn đề.
Đầu tiên là triển khai các giải pháp mạnh để tập trung giải quyết các yếu kém được nhận diện từ quá trình điều hành kinh tế-xã hội năm 2017. Cần quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nhiệm vụ nữa cần quan tâm là triển khai nhanh, quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Sớm ban hành văn bản về tiêu chí để xác định biên chế công chức, số lượng người làm việc, cơ cấu công chức, viên chức. Chủ động triển khai kịp thời các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa 12.
Vấn đề tiếp theo là tiếp tục cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung cắt giảm các thủ tục hành chính thực chất, mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu, giao thông. Công khai, minh bạch quy trình, thủ tục và xử lý các sai phạm, loại bỏ các chi phí không chính thức, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh".
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội, cần tạo sự chuyển biến thực chất về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh việc cơ cấu lại khu vực này và xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn. Xử lý nghiêm lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước vi phạm quy định về công bố thông tin, tài chính, kế toán.
Tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ quá trình cơ cấu lại và tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhanh chóng xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi, có chính sách kịp thời xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát hoặc tổ chức kịp thời các phiên giải trình đối với những vấn đề "nóng" gây bức xúc đối với cử tri. Thực hiện tốt, bảo đảm thực chất việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.
Vneconomy