MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ giao NHNN xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech

06-09-2021 - 21:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ giao NHNN xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV năm 2021.

Công nghệ tài chính (viết tắt là Fintech) là việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, cho vay ngang hàng, quản lý tài sản... nhằm mang tới cho khách hàng các dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân...

Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Hành lang pháp lý thử nghiệm (Sandbox) cho Fintech vốn đã được các doanh nghiệp mong đợi trong những năm gần đây. Tại Việt Nam các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending), mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs),... đều chưa có quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh. 

Việc xây dựng hành lang pháp lý cho Fintech theo đó được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có cơ sở pháp lý để tập trung làm ăn, phát triển, đồng thời góp phần giảm các hình thức biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh P2P Leding thời gian qua. Tạo điều kiện cho Fintech phát triển cũng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam thời gian tới. 

Những ví dụ từ trường hợp Uber, Grab trong thị trường vận tải trong thời gian qua là bài học kinh nghiệm cho ngành ngân hàng trong việc ứng phó với những đổi thay nhanh chóng của công nghệ. Nếu không có hành lang pháp lý kịp thời sẽ gặp nhiều lúng túng khi các công ty Fintech mở rộng phạm vi hoạt động.

PV

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên