Chính phủ giao NHNN xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn
Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, giải pháp giãn nợ gốc và lãi vay cho doanh nghiệp đang được tính đến.
- 22-02-2023Tài sản thế chấp tại Vietcombank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, bất động sản chiếm gần 74%
- 18-02-2023Chính phủ dự kiến giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn
- 17-02-2023Bộ Xây dựng đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn
- 16-02-2023Gần 283.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn: Doanh nghiệp nhọc nhằn xin giãn nợ
Tại Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững của Chính phủ, các giải pháp quan trọng được đưa ra với mục đích tháo gỡ khó khăn về thể chế, nguồn vốn và nguồn cung cho thị trường, thúc đẩy nhà ở xã hội.
Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững theo tinh thần Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, xem xét, đề xuất phương án tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...); chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).
Trong đó, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi. Khoảng 50% còn lại sẽ dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
Bên cạnh đó, yêu cầu NHNN chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Về Bộ Tài chính, dự thảo nêu rõ, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023.
Trường hợp có khó khăn, doanh nghiệp bất động sản đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản.
Bộ Tài chính cũng cần khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành và xử lý nợ trái phiếu; Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá…
Theo Dự thảo của Chính phủ, thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Trong thời gian qua và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động...
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, giai đoạn 2023-2025 nói chung và thị trường bất động sản nói riêng Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp, như hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn tin dụng, tổ chức thực thi pháp luật ở các địa phương…
Nhịp sống Thị trường