MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ Mỹ thờ ơ, tương lai thế giới nằm trong tay những gã khổng lồ công nghệ?

23-05-2017 - 19:14 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Mỹ đang cắt giảm kinh phí tài trợ cho các chương trình nghiên cứu, bao gồm cả phát triển trí thông minh nhân tạo trong khi các tập đoàn công nghệ không ngừng chi tiền cho trí tuệ nhân tạo (AI).

Chính phủ Mỹ không còn tiên phong

Khác với vai trò tiên phong trong quá khứ, Chính phủ Mỹ gần đây thể hiện rõ sự thờ ơ trong việc chi tiền cho các chương trình nghiên cứu khoa học. Dưới Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, chi phí dành cho nghiên cứu không những không có dấu hiệu tăng lên mà còn có thể sụt giảm hơn nữa.

Khi Chính phủ Mỹ không còn đóng vai trò tiên phong thì trong mắt nhiều người, Thung lũng Silicon dường như cũng không còn đảm trách vai trò tạo ra sự đột phá, có thể làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, đây được xem là góc nhìn phiến diện, chưa đánh giá đúng những gì mà Trung tâm công nghệ của nước Mỹ có thể làm được cho tương lai của nhân loại.

Ở Thung lũng Silicon, các công ty vẫn đang đổ tiền nghiên cứu, phát triển xe tự lái. Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk vẫn miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm loại tên lửa có thể tái sử dụng nhiều lần. Google, Facebook, Amazon, Apple đổ nhiều tiền đầu tư cho trợ lý ảo hay các thiết bị thực tế ảo. Những tên tuổi lớn nhất cũng mạnh tay chi tiền phát triển trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ sẽ quyết định tương lai.

Không chỉ theo đuổi những khát vọng lớn lao, những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon còn đang nắm trong tay tương lai nhân loại với những công nghệ có thể làm thay đổi thế giới. Thậm chí, những tập đoàn này còn đủ sức thay thế vai trò của Chính phủ Mỹ trong việc đầu tư nghiên cứu công nghệ mới, trong đó có AI.

Sự trỗi dậy của các tập đoàn công nghệ

Google là ví dụ điển hình nhất. Gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm Internet mới công bố thành tựu nghiên cứu mới nhất là trợ lý ảo và hệ điều hành trên di động. Một trong những ứng dụng ấn tượng Google vừa ra mắt giúp máy điện thoại nhận diện được hình ảnh mà camera ghi lại đồng thời hiển thị thông tin giúp ích cho người sử dụng.

Ngay từ năm ngoái, CEO Sundar Pichai của Google đã đưa ra khái niệm mà ông gọi là kỷ nguyên mới của Google khi đưa AI trở thành mục tiêu hướng tới hàng đầu (AI-first). Các khoản đầu tư nghiên cứu và thành tựu mà Google kỳ vọng gặt hái được đều có liên quan tới AI. Ở chiều ngược lại, AI cũng được kỳ vọng tạo ra sự phát triển đột phá cho Google.

Hiện tại, AI đã đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm của Google, chẳng hạn như dịch các ngôn ngữ, nhận diện hình ảnh hay nhận diện giọng nói. Ngoài ra, Google đang nỗ lực dạy máy tính khả năng hiểu ngôn ngữ, nghe, nhìn hay thậm chí là chuẩn đoán bệnh tật dựa vào dữ liệu thu thập được. Ngoài ra, Google còn tham vọng khiến máy tính tạo ra những tác phẩm nghệ thuật.

Tiềm năng của trí thông minh nhân tạo đã được cả thế giới nhận ra và hứa hẹn tạo nên một cuộc cách mạng lớn cùng những ngành công nghiệp nằm ngoài sức tưởng tượng. Bởi vậy, Google hay công ty mẹ Alphabet của nó không phải những tên tuổi duy nhất. Những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang góp mặt trong cuộc đua này.

Riêng tại Mỹ, cuộc đua AI gồn 5 tên tuổi lớn là Google (hay công ty mẹ Alphabet), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft. Bộ 5 ông lớn này chi rất nhiều tiền cho AI. Theo dự đoán, số tiền mà bộ 5 này chi để nghiên cứu, phát triển trí thông minh nhân tạo sẽ đạt 60 tỷ USD trong năm 2017. Nó gần bằng số tiền 67 tỷ USD mà chính phủ Mỹ tài chợ cho tất cả các chương trình nghiên cứu phi quốc phòng trong năm 2015.

Hiện tại, toàn xã hội vẫn được hưởng lợi từ các công trình nghiên cứu mà Google và những ông lớn công nghệ khác tạo ra. Tương lai xe tự lái cứu hàng chục nghìn mạng sống khỏi tai nạn giao thông hay máy tính chuẩn đoán bệnh tật sẽ giúp con người được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Tuy nhiên, việc các chính phủ thờ ơ với AI có thể gây ra những hệ lụy. Trong trường hợp AI được sử dụng để kiếm lợi cho một công ty hay một nhóm người, rõ ràng nó sẽ không tốt đẹp như mục đích phát triển ban đầu. Chính vì thế, các chính phủ, những tập đoàn lớn nên cùng nhau tạo ra tương lai bằng cách hợp tác và kiểm soát chéo, thay vì phó mặc tương lai vào tay một nhóm người nào đó.

Linh Anh

New York Times

Trở lên trên