Chính phủ Mỹ thoát cơn ác mộng đóng cửa, Dow Jones tăng hơn 350 điểm
Chứng khoán Mỹ đã tăng trong đêm qua với tin tức cho rằng các nhà lập pháp nước này đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về tài trợ an ninh biên giới.
- 31-01-2019Dow Jones tăng hơn 430 điểm, vượt mốc kháng cự 25.000 điểm
- 29-01-2019Mỹ truy tố hình sự Huawei, Dow Jones mất hơn 200 điểm ngay đầu tuần
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 372,65 điểm, đóng cửa ở mức 25.425,76, dẫn đầu là Caterpillar và 3M. S&P 500 tăng 1,3% lên 2.744,73 với nhóm cổ phiếu ngành nguyên liệu,tiêu dùng và tài chính tăng vượt trội. Nasdaq Composite tăng 1,46% lên 7.414,62.
Cổ phiếu của các ngân hàng lớn tăng mạnh. SPDR S & P Bank ETF (KBE) đã tăng 1,2%. Goldman Sachs, Citigroup và Morgan Stanley đều tăng ít nhất 1,6%. Bank of America và J.P. Morgan Chase cũng tăng ít nhất 1%.
Cổ phiếu của Deere, Boeing và Caterpillar là động lực chính của Dow Jones trong phiên hôm qua. Những cổ phiếu này được coi là các chuông báo đông của thương mại toàn cầu vì sự rủi ro khi kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn như Amazon, Netflix và Alphabet đều tăng hơn 2%. Cổ phiếu của Apple cũng tăng 0,86%.
Art Hogan, chiến lược gia thị trường tại National Securities, cho biết: "Có vẻ như việc đóng cửa chính phủ sẽ sớm được kết thúc. Đó là tin tốt cho thị trường. Cơn bão sẽ biến mất".
Vào tối thứ Hai, các nhà đàm phán quốc hội đã thông qua một thỏa thuận về nguyên tắc sẽ giữ cho chính phủ mở và tránh sự đóng cửa vào thứ Sáu. Tuy nhiên, thỏa thuận được soạn thảo không chứa ngân sách cho bức tường biên giới của Tổng thống Donald Trump. Nếu chính phủ muốn tránh một đợt đóng cửa khác, họ sẽ cần sự chấp thuận từ ông Trump.
Chính phủ đã đóng cửa trong 35 ngày cho đến ngày 25 tháng 1, thời hạn dài nhất trong lịch sử, vì ông Trump và các nhà lãnh đạo quốc hội không thể đưa ra các điều khoản về tài trợ cho một bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico.
Các nhà đầu tư cũng tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi cả hai nước cố gắng thực hiện một thỏa thuận trước thời hạn đầu tháng Ba. Cả hai bên bày tỏ hy vọng vòng đàm phán mới, bắt đầu tại Bắc Kinh vào thứ Hai, sẽ đưa họ đến gần hơn với một hiệp định thương mại toàn diện.
Cả hai quốc gia có thể đạt được một "thỏa thuận hời hợt" để "xoa dịu sự lo lắng của thị trường; đó hoàn toàn là một thỏa thuận thương mại đơn giản", Matt Lloyd, chiến lược gia đầu tư chính tại Advisors Asset Management cho biết. "Nếu chỉ như vậy thì họ có thể tiến tới thỏa thuận rất nhanh. Vấn đề phức tạp hơn và lâu dài hơn cần phải được giải quyết là các vụ án sở hữu trí tuệ. Đó sẽ là thách thức lớn hơn", Lloyd nói.
Bloomberg News báo cáo rằng một số trợ lý Mỹ thừa nhận kịch bản có khả năng nhất vào thời điểm này là thời hạn sẽ bị hai bên lùi lại bao xa trong các cuộc đàm phán thương mại. Trump cũng cho biết hôm thứ ba, ông sẽ xem xét đẩy lùi thời hạn nhưng "thực sự không muốn làm vậy". Tranh chấp thương mại đã bắt đầu tác động đến tăng trưởng toàn cầu, với các nhà đầu tư lo ngại một tranh chấp kéo dài có thể sớm làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi nhuận của công ty.
Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, cho biết: "Nếu Mỹ và Trung Quốc sớm đạt được thỏa thuận thương mại có ý nghĩa, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu chiết khấu tác động tích cực với sự xem xét kỹ lưỡng hơn về rủi ro giữa lớp địa lý / ngành / tài sản và mối tương quan sẽ giảm". "Nếu thỏa thuận thương mại đó là mơ hồ hoặc không thành hiện thực, thì các nhà đầu tư sẽ cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu là không thể tránh khỏi."