MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân hải sản chết bất thường

23-04-2016 - 10:37 AM | Thị trường

Cá biển chết ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã và đang gây ra sự hoang mang, khủng hoảng ở cấp độ rất cao trong nhân dân, dư luận xã hội và truyền thông.

Thế nhưng, sự phản ứng của chính quyền và các cơ quan hữu trách cực kỳ chậm chạp, tắc trách, thậm chí là dửng dưng, vô trách nhiệm...

Chưa nghe ai chỉ đạo thu gom, xử lý cá chết

Ngày 22.4, PV Báo Lao Động đã tiếp cận “phố” nhà hàng hải sản mực nhảy ở xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh). Một dãy dài gồm 18 nhà hàng nhưng hầu như không có khách. Chị Chu Thị Tuyết - chủ nhà hàng Độ Tuyết - buồn rầu cho biết, vài tuần nay, từ sau khi phát hiện cá nuôi và cá tự nhiên chết ở vùng biển Vũng Áng, khách đến ăn hải sản tại đây giảm trầm trọng, tới 90%. Thậm chí có ngày chẳng có khách nào đến. Trước đây, bình quân một ngày chị bán được 20-30kg hải sản thì nay chỉ được 1-2kg.

Sự việc phát hiện cá chết ở Vũng Áng đã hơn 2 tuần nay, ngày 21.4, Bộ TNMT mới có công văn khuyến cáo các tỉnh tập trung thu gom cá chết để tiêu hủy, tránh để ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, ngày 22.4, tại Hà Tĩnh, công tác thu gom chưa được thực hiện. Tình trạng cá chết bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu kín vẫn nằm trên bờ.

Ông Nguyễn Đình Vin - Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam (địa phương phát hiện cá tự nhiên chết rất nhiều dạt vào bờ biển) - cho biết, xã chưa nhận được chỉ đạo của cấp trên về việc thu gom tiêu hủy cá chết nên chưa tiến hành thu gom, tiêu hủy. Cũng theo ông Vin, từ sau khi phát hiện cá chết đến nay, chưa thấy lãnh đạo tỉnh, huyện về kiểm tra hiện trường. Ông Chu Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi (nơi phát hiện cá nuôi lồng chết đầu tiên ở vùng biển Vũng Áng) cũng xác nhận, từ khi phát hiện cá chết đến nay, chưa thấy lãnh đạo thị xã, lãnh đạo tỉnh về kiểm tra.

Đoàn kiểm tra đến, không còn cá chết còn tươi để lấy mẫu

Sáng 22.4, đoàn kiểm tra của Bộ NNPTNT do bà Nguyễn Thị Phương Dung - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản - đã đưa ra nhiều câu hỏi, đề nghị với Sở NNPTNT Thừa Thiên - Huế, như đề nghị sở này cung cấp các chứng cứ hình ảnh về cá chết, xin mẫu cá chết nhưng vẫn còn tươi để đưa về xét nghiệm...

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên - Huế - cho biết, hiện cá chết không còn xảy ra, trong khi cơ quan này không tiến hành lưu trữ, bảo quản cá chết nên hiện không có mẫu. Nói về tình trạng cá trong môi trường tự nhiên chết, ông Bình phán đoán rằng cá chết ở đâu đó rồi trôi dạt vào. Về cá nuôi lồng chết ở khu vực Lăng Cô, ông Bình cho biết, trước đó khoảng một tháng đã xảy ra tình trạng này, đơn vị tiến hành khảo sát, nhưng tình trạng trên chỉ xảy ra 2-3 ngày rồi dừng lại.

Đáng chú ý, tại địa phương người dân nuôi cá lồng tại 3 cửa biển, trong đó 2 cửa biển có sông, cá nuôi lồng của người dân vẫn phát triển bình thường. “Lần này, theo kinh nghiệm của chúng tôi, có thể do một tác nhân vô cơ nào đó tác động vào hoặc ngay tôm cá chết dạt vào vùng cửa biển gây ô nhiễm môi trường nuôi” - ông Bình nói, đồng thời đề nghị Bộ NNPTNT sớm có khuyến cáo đối với việc lấy nguồn nước biển phục vụ nuôi trồng thủy sản, vì hiện các chủ hồ nuôi đang rất lo lắng. “Nhiệm vụ của đoàn là phải nắm rất nhanh, bây giờ thì không được nhanh lắm rồi, nhưng phải nắm rất vững hiện trạng cá chết ở Thừa Thiên - Huế, trong đó có cá nuôi lồng và cá tự nhiên. Bây giờ dư luận rất hoang mang trước vấn đề cá tự nhiên chết” - bà Dung nói.

Tại Hà Tĩnh, sáng 22.4, đoàn cán bộ của Bộ TNMT có cuộc làm việc với Nhà máy nhiệt điện 1 Vũng Áng. PV Báo Lao Động đã tiếp cận xin vào nắm thông tin cuộc làm việc này nhưng bị bảo vệ nhà máy từ chối, với lý do chưa có lệnh của lãnh đạo. Trong khi PV gọi điện thì lãnh đạo nhà máy không bắt máy. Tiếp tục vào buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ TNMT làm việc với Cty Gang thép Hưng nghiệp Formosa. Nhiều PV vẫn không thể tiếp cận, lý do đại diện Formosa nói sẽ đồng ý nếu như được sự cho phép của Đoàn công tác Bộ TNMT.

Ống xả thải nằm ở đáy biển đã được Bộ TNMT cấp phép?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, trú thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) cho biết, ngày 4.4, khi đi lặn bắt cá trên biển, anh phát hiện một đường ống chôn dưới đáy biển có đường kính hơn 1m. Từ vị trí này cách nhà máy Formosa khoảng 1,5km. Tại thời điểm lặn đó, anh thấy đường ống này đang phun nước lên rất mạnh, nước có màu vàng đục, mùi hôi thối. Sau đó, anh đã đến báo cáo với Đồn Biên phòng Đèo Ngang.

Thiếu tá Nguyễn Thế Vị - Đồn phó Đồn Biên phòng Đèo Ngang - xác nhận có việc đồn tiếp nhận thông tin phản ánh của anh Thành về việc anh này lặn cá phát hiện đường ống xả thải của Nhà máy Formosa chôn ngầm dưới biển.

Đại diện Formosa cũng đã thông tin với báo chí khẳng định, Cty có đường ống xả thải đường kính 1m, kéo dài 1,5km ra thẳng ngoài biển và nằm ở tầng đáy. Ống xả này được sự cho phép của Bộ TNMT Việt Nam - ông Kiệt (người có chức trách của Nhà máy Formosa) nói - trước khi được thải ra biển, các điểm xả thải phải tập trung về một chỗ, sau đó nước thải đi qua một trạm quan trắc tự động. Toàn bộ số liệu về môi trường nước được trạm báo về máy hằng ngày, tất cả đều đạt các chỉ số an toàn rồi mới được cho thải ra biển.

Bộ TNMT cho Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển?

Chiều 22.4, trả lời phóng viên Báo Lao Động có hay không việc Bộ TNMT cấp phép cho Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Cty Formosa Hà Tĩnh) xả thải ra biển, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết, đường ống xả thải là một trong những hạng mục nằm trong dự án của Cty Formosa Hà Tĩnh. “Cái đấy (đường ống xả thải - PV) nó nằm trong dự án, thành ra người dân không biết nên tưởng Cty Formosa Hà Tĩnh xả trộm ra biển. Formosa Hà Tĩnh được phép làm như vậy, nước xả ra biển là nước sạch, sau khi nước thải được xử lý đi qua hệ thống quan trắc rồi, đạt các chỉ số an toàn rồi mới xả ra biển. Trước đây Cty Formosa Hà Tĩnh xin xả sang một chỗ khác, nhưng về sau xin xả chỗ đấy nên được cho phép” - ông Tùng nói. Cũng theo ông Tùng, theo định kỳ, cứ 3 tháng Sở TNMT đến lấy mẫu nước đi kiểm tra một lần nên sẽ kiểm soát được việc xả thải của Cty Formosa Hà Tĩnh. ĐÌNH VŨ

Thu gom khoảng 30 tấn cá chết dạt vào bờ biển Quảng Trị

Ngày 22.4, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, trong khoảng 1 tuần qua, ngư dân tại tỉnh đã thu gom, xử lý khoảng 30 tấn cá chết dạt vào bờ. Trong đó, địa phương thu gom cá dạt vào bờ nhiều nhất là thị trấn Cửa Tùng ở huyện Vĩnh Linh (ước tính lên đến 20 tấn). Trước đó, trong ngày 21.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã dẫn đầu đoàn kiểm tra có mặt ở một số vùng biển bãi ngang để nắm tình hình, chỉ đạo xử lý. Tại đây, cơ quan chức năng đã lấy mẫu cá chết xét nghiệm để tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt, tiến hành gom cá chết dọc bờ biển để tiêu hủy, đảm bảo vệ sinh môi trường.H.THƠ

Theo Nhóm PV

Lao động

Trở lên trên