Chính phủ yêu cầu rà soát, gỡ vướng mắc với các dự án bất động sản
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án bất động sản.
- 09-04-2023Lãnh đạo một công ty bất động sản không mấy tiếng tăm thu nhập hơn 1,1 tỷ đồng/tháng
- 09-04-2023Bất động sản đã bước vào chu trình "rã đông"?
- 09-04-2023Số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50 sau khi diễn ra Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023. Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể.
Khẩn trương tổng hợp, công bố danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Phối hợp với Bộ Công an để rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động... góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo kết luận của Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng.
Thông tư số 16/2021 cũng được yêu cầu sớm sửa đổi, bổ sung. Trong đó quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng cường minh bạch, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cũng tại Nghị quyết, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, cơ quan này cần trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế giá trị gia tăng).
Việc giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp và sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được yêu cầu thực hiện sớm nhằm đưa chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn.
Về vướng mắc phát sinh mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần rà soát lại Nghị định 08/2023 và tình hình thực tế để báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp xử lý phù hợp.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương quyết liệt, tập trung chỉ đạo triển khai thi công, hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn triển khai tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giao thông trọng điểm; khẩn trương làm việc với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để xác định lượng cát đắp của từng tỉnh cung cấp cho dự án đường cao tốc.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nắm bắt tình hình, nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng, nhất là tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, tập trung lao động; kịp thời kết nối cung cầu, bảo đảm cung ứng lao động. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
VTC News