MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chinh phục 5G – vươn tới sự xuất sắc không giới hạn

19-04-2024 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Chinh phục 5G – vươn tới sự xuất sắc không giới hạn

Sau cả quá trình quyết liệt, táo bạo chinh phục 5G, Viettel đã đạt được thành tựu khiến các đối tác hàng đầu thế giới phải nể phục và một lần nữa giúp ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) 2024 – Sự kiện B2B lớn nhất ngành viễn thông – CNTT toàn cầu, ông Henry Calvert – Giám đốc Mạng lưới của Hiệp hội GSM thế giới, khẳng định: "Rất hoan nghênh và cảm ơn Viettel vì bước đi tiên phong và đột phá khi ký biên bản ghi nhớ (MOU) lần này. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng đôi bên sẽ có hợp tác lâu dài, không chỉ với 5G mà còn là 6G, 7G..., với kết nối mở Open Gateway. Chúng tôi cam kết không chỉ đồng hành với Viettel tại khu vực và còn ở quy mô toàn cầu".

Còn tại lễ tôn vinh những cá nhân, tập thể điển hình xuất sắc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) năm 2023 (Viettel’s Stars 2023), Thiếu tướng Tào Đức Thắng – Chủ tịch – TGĐ Tập đoàn Viettel, nhấn mạnh: "Đó là nỗ lực trên một con đường đầy thách thức, đòi hỏi khát vọng, sự kiên trì và lòng quyết tâm của từng tập thể, từng con người Viettel. Chúng ta phải thực hiện những việc chưa từng có ở Việt Nam, cũng ít nơi trên thế giới làm được".

Sự thán phục của đối tác và ghi nhận của lãnh đạo Tập đoàn được dành cho những cán bộ, chuyên gia đã chinh phục công nghệ 5G, đưa Viettel trở thành 1 trong 6 nhà sản xuất (vendor) trên thế giới có khả năng chế tạo hoàn chỉnh các thiết bị mạng 5G (hệ thống trạm phát sóng, hệ thống truyền dẫn, hệ thống mạng lõi,…) gồm cả phần cứng và phần mềm.

Thách thức của người tiên phong

Công cuộc chinh phục 5G được các "chiến binh" của Trung tâm Viễn thông Băng rộng (VTBR) thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) khởi động năm 2016 – sau khi đã làm chủ công nghệ và chế tạo thành công các thiết bị mạng 4G. Khi đó, công nghệ 4G đã ở độ "chín", rất nhiều đối tác sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tiêu chuẩn cũng như có đội ngũ chuyên gia thành thạo hỗ trợ. Nhưng 5G là một câu chuyện khác.

"Mọi thứ đều mới mẻ ngay cả với các đối tác đã hợp tác với Viettel trước đây. Họ thực sự cũng đang tìm tòi, hoặc đòi chi phí rất lớn cho hợp tác phát triển công nghệ mới", ông Hoàng Đinh Hải Truyền, Giám đốc Trung tâm VTBR chia sẻ.

Chinh phục 5G – vươn tới sự xuất sắc không giới hạn- Ảnh 1.

Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng - VHT là một trong 10 tập thể đạt danh hiệu Viettel’s Stars 2023

Ông Truyền cho biết 5G thời điểm đó là công nghệ của tương lai, mới chỉ có một số phác thảo sơ khai. Không giống các mạng viễn thông cũ, 5G là bước nhảy vọt về công nghệ với khả năng kết nối có độ trễ siêu thấp, đảm bảo mật độ hàng triệu kết nối trên mỗi kilomet vuông, hoặc tốc độ siêu cao gấp 20 lần mạng 4G hiện tại. Mạng 5G là nền tảng số quan trọng cho mỗi quốc gia, tạo cơ sở cho các dịch vụ số quan trọng trong môi trường công nghiệp như nhà máy tự động hóa, giao thông tự lái hay các ứng dụng video tức thời phục vụ y khoa, điều khiển tự động, mô phỏng,... Các yêu cần kỹ thuật cũng vượt xa trên các mạng 2G, 3G, 4G vốn chỉ đảm bảo kết nối cho việc liên lạc. Khối lượng các công việc liên quan xử lý, tích hợp,… tăng lên gấp hàng trăm lần.

Để tận dụng cơ hội của người đi tiên phong, lãnh đạo Tập đoàn luôn đặt mục tiêu phải thương mại hóa được sản phẩm. Tức là ngoài việc đáp ứng được các yêu cầu tính năng của khách hàng, sản phẩm cũng phải đáp ứng được toàn bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật các thị trường nhắm tới, không chỉ Việt Nam mà cả Châu Âu, Mỹ…, tương đương sản phẩm các hãng công nghệ lớn. Song song đảm bảo yêu cầu kỹ thuật là giữ được giá thành rẻ, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cuộc chạy đua 5G trên thế giới khiến các vendor như Huawei, Ericsson đầu tư hàng tỷ đô, hàng nghìn nhân sự nghiên cứu phát triển. Viettel không có nguồn lực đó, ngay cả quân số tham gia nghiên cứu cũng chỉ khoảng 150 người – ít hơn rất nhiều so với lực lượng 5.000 – 10.000 người ở các bộ phận có chức năng tương tự ở các vendor.

Đối diện với thách thức, Viettel vẫn tìm thấy lợi thế riêng của mình: Là nhà mạng tiên phong trên thế giới chế tạo thiết bị, tức có mạng lưới để thử nghiệm. Mặt khác, cộng đồng chuẩn ORAN hiện tại đang phát triển mạnh mẽ, thậm chí có những quốc gia quy định về tỷ lệ ứng dụng chuẩn mở này trong viễn thông, đặc biệt ở Châu Âu và Mỹ. Đây là cơ hội để Viettel tham gia vào thị trường này. Các sản phẩm 5G của Viettel được xây dựng trên nền tảng chuẩn mở ORAN, có thể triển khai từng phần trên các hệ thống mạng khác trên thế giới.

Khát vọng dẫn lối hành động

Chỉ một khe cửa hẹp cho bài toán lớn, người Viettel bắt buộc phải thắng. Giám đốc Trung tâm VTBR cho biết Viettel chỉ còn cách phải làm nhiều hơn, nhanh hơn theo cách của riêng mình. Các hãng trên thế giới chỉ chọn một nền tảng để phát triển, nhưng Viettel chọn cả 3 nền tảng lớn nhất thế giới để phát triển cùng lúc: Qualcomm, Intel, AMD.

Nguồn nhân lực ít về số lượng nhưng lại là đội ngũ chiến binh đầy lửa nhiệt huyết. "Ở dự án 5G, điều tôi tâm đắc nhất chính là con người, là anh em trong dự án. Riêng tôi luôn xác định đây chính là tài sản lớn nhất của dự án"- anh Truyền nói. Hầu hết đội ngũ kỹ sư đều rất trẻ, sẵn sàng lăn xả vào công việc, nung nấu khát vọng chiến đấu cho một công việc có ý nghĩa.

Trong cuộc đua 5G ấy, anh em có những động lực cháy bỏng để hoàn thiện sản phẩm: Đó là khát vọng về làm chủ công nghệ cao, được làm dự án lớn, ý nghĩa cấp quốc gia nên ai cũng nỗ lực. Anh em đều xác định mỗi người làm phải cố gắng ngày hôm nay tốt hơn hôm qua để xây dựng dự án, để mình được đóng góp cho tổ chức, cho đất nước, được chứng minh và đưa sản phẩm công nghệ cao ngang tầm với thế giới.

Trí tuệ Việt Nam ra biển lớn

Hiện tại, Viettel đã có thể sánh vai với 5 nhà phát triển khác gồm Ericsson, Huawei, Samsung, ZTE, Nokia, trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực cung cấp thiết bị 5G.

Mới đây nhất, tại Hội nghị Di động Thế giới ngày 26/2/2024, Viettel ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai dịch vụ API (Giao diện lập trình ứng dụng) theo sáng kiến Cổng mở của Hiệp hội khai thác di động toàn cầu - GSMA Open Gateway. Sáng kiến này có quy mô toàn cầu, được triển khai từ 2023 với sự tham gia của các nhà khai thác mạng di động lớn trên thế giới mà đến giờ Viettel là nhà mạng của Việt Nam tham gia.

Cũng tại MWC 2024, Viettel và Intel ký thỏa thuận hợp tác nhằm tăng tốc nghiên cứu, phát triển và sản xuất công nghệ tiên tiến phục vụ hạ tầng số, xã hội số tương lai. Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Giám đốc Nhóm Nền tảng mạng, Tập đoàn Intel Toàn cầu Dan Rodriguez nói: "Viettel và Intel sẽ phát triển các khái niệm, thử nghiệm thực tế và triển khai dịch vụ thương mại cho các dòng sản phẩm, giải pháp thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, thiết bị thông minh, nền tảng tính toán & trung tâm dữ liệu (data center)". 

Nokia, NVIDIA cũng đánh giá cao hệ sinh thái công nghệ 5G của Viettel với những cam kết hợp tác sâu rộng hơn.

Thành tựu với 5G một lần nữa cho thấy, mỗi dự án là mỗi lần người Viettel vượt qua những thử thách xa hơn của chính mình, để đạt tới sự xuất sắc không giới hạn.

Ánh Dương

Tổ Quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên