Chính sách mới thuế, lệ phí, kiểm toán có hiệu lực từ tháng 4/2019
Quy định mới về giá tính lệ phí trước bạ đối với đất, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm, hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho tài chính vi mô... là những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 4/2019.
- 01-03-2019Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 3/2019
- 31-01-2019Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2019
- 31-12-2018Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2019
Quy định mới về giá tính lệ phí trước bạ đối với đất
Có hiệu lực từ ngày 10/4/2019, Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính lệ phí trước bạ đối với đất.
Cụ thể, giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
So với quy định hiện hành, Nghị định 20/2019 bổ sung trường hợp đất thuê của Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà thời hạn thuê đất nhỏ hơn thời hạn của loại đất quy định tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.
Giá đất của thời hạn thuê đất tính lệ phí trước bạ được xác định như sau:
Ngoài ra, Nghị định 20/2019 còn bổ sung quy định về miễn hoặc không phải nộp lệ phí trước bạ.
Theo đó, tổ chức, cá nhân đã được miễn hoặc không phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, xe máy lần đầu, nếu chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc chuyển mục đích sử dụng mà không thuộc diện được miễn lệ phí trước bạ theo quy định thì tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sở hữu ô tô, xe máy nộp lệ phí trước bạ với mức thu lần đầu trên giá trị sử dụng còn lại của tài sản.
Năm 2019, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm
Theo Thông tư 04/2019/TT-BCT, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm năm 2019 là 55.181 tá, bao gồm:
- Trứng gà (mã số hàng hóa (MSHH) 0407.21.00 và 0407.90.10);
- Trứng vịt, ngan (MSHH 0407.29.10 và 0407.90.20);
- Loại khác (MSHH 0407.29.90 và 0407.90.90).
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu.
Lưu ý: Các loại trứng nêu trên là trứng thương phẩm không có phôi.
Ngoài ra, theo Thông tư 04/2019, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối (MSHH 2501) là 110.000 tấn.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.
Thông tư 04/2019/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 17/4/2019 đến hết ngày 31/12/2019.
Quy định về công tác kiểm toán nội bộ đối với cơ quan Nhà nước
Nghị định 05/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/4/2019 quy định về kiểm toán nội bộ, trong đó, công tác kiểm toán nội bộ đối với cơ quan nhà nước (CQNN) được thực hiện như sau:
- Bộ, cơ quan (CQ) ngang bộ, CQ thuộc Chính phủ phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại bộ, CQ ngang bộ, CQ thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, CQ ngang bộ, CQ thuộc Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại UBND cấp tỉnh; các CQ chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ ở các đơn vị nêu trên phải đảm bảo nguyên tắc không tăng biên chế, không phát sinh đầu mối mới.
Ngoài ra, trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 01/4/2019, các đơn vị thuộc đối tượng phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định 05/2019 phải hoàn thành các công việc cần thiết để thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định tại Nghị định 05/2019.
Hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho tài chính vi mô
Theo Thông tư 05/2019/TT-BTC ngày 25/01/2019 hướng dẫn kế toán áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô (TCVM), hệ thống tài khoản (TK) kế toán áp dụng cho TCVM được chia thành 08 loại TK:
- Loại TK tài sản: Từ Tài khoản 101 - Tài khoản 391.
- Loại TK nợ phải trả: Từ Tài khoản 415 - Tài khoản 491.
- Loại TK thanh toán: Tài khoản 519.
- Loại TK vốn chủ sở hữu: Từ Tài khoản 601 - Tài khoản 691.
- Loại TK doanh thu: Từ Tài khoản 701 - Tài khoản 791.
- Loại TK chi phí: Từ Tài khoản 801 - Tài khoản 891.
- Loại TK xác định kết quả kinh doanh: Tài khoản 001.
- Loại TK ngoài bảng: Từ Tài khoản 901 - Tài khoản 999.
Trường hợp NHNN cần bổ sung TK cấp 1 hoặc sửa đổi TK cấp 1 về tên, ký hiệu, nội dung kết cấu để hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, Thông tư 05/2019 cũng quy định về hệ thống báo cáo tài chính của TCVM bao gồm: Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính.
Thông tư 05/2019/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2019 và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 01/01/2020.