MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách nhà ở cần hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

22-12-2016 - 08:23 AM | Bất động sản

Thành phố phải di dời, tái định cư hơn 20.000 hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch. Trong đó, tập trung lớn nhất tại quận 8 với khoảng 7.000 hộ (riêng dự án Nam kênh Đôi có hơn 5.000 hộ), dự án rạch Xuyên Tâm quận Bình Thạnh với khoảng 2.500 hộ.

Đồng thời, nhiều chung cư khu vực trung tâm Tp.HCM đang buôn bán trên lầu cao bị yêu cầu chấm dứt thêm đúng Luật Nhà ở gây bức xúc. Những điều này tác động lớn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân và Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Tp.HCM đã có những kiến nghị cấp bách để hỗ trợ người dân và phong trào khởi nghiệp của thanh niên.

Vẫn thiếu nhà ở xã hội, thương mại giá rẻ và cho thuê

Các doanh nghiệp BĐS đã tích cực tham gia chương trình nhà tái định cư là Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm (dự án rạch Xuyên Tâm), Công ty CP đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn (dự án Nam kênh Đôi)... Công tác phát triển nhà ở xã hội có 2 dự án tại phường Thảo Điền (do Công ty CP Thủ Thiêm đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách), và tại phường Bình An, quận 2 với tổng số 1.260 căn hộ.


Thanh niên đang rất cần thêm nguồn nhà ở xã hội, thương mại giá rẻ và cho thuê

Thanh niên đang rất cần thêm nguồn nhà ở xã hội, thương mại giá rẻ và cho thuê

Dự án nhà lưu trú công nhân tại Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi với 4.600 chỗ ở cũng đã xây dựng hoàn thành. Và có 11 dự án nhà ở xã hội khác cũng đang được triển khai xây dựng. Sở Xây dựng cũng đã trình UBND Tp.HCM phê duyệt 39 dự án nhà ở xã hội với khoảng 45.000 căn hộ sẽ được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Thị trường BĐS Tp.HCM năm 2016 và năm 2017 có thêm trên 30.000 sản phẩm nhà ở. Chỉ riêng Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn cho 57 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 29.017 căn nhà, gồm có 27.792 căn hộ và 1.225 nhà thấp tầng. Trong đó, có 5.630 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 20,3%; có 16.750 căn hộ thuộc phân khúc trung cấp, chiếm tỷ lệ 60,3%; và 5.412 căn hộ thuộc phân khúc bình dân, chiếm tỷ lệ 21,6%.

Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp như Công ty Him Lam, Công ty Khang Điền... thường xây dựng xong nhà mới bán cho người tiêu dùng nên không phải đăng ký bán hàng qua Sở Xây dựng. Kết quả hoạt động của thị trường BĐS Tp.HCM năm 2016 đã cho thấy phân khúc nhà ở vừa túi tiền chiếm tỷ lệ 79,7% vẫn đang là phân khúc chủ đạo của thị trường.

Tuy nhiên, thị trường vẫn thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, và nhà ở thương mại giá rẻ, đặc biệt thiếu nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ. Bên cạnh đó, với 500 dự án trên địa bàn thành phố bị ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án BĐS dở dang, do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, đang là "phần chìm của tảng băng hàng tồn kho".

Nhưng đáng phê phán là có một số ít doanh nghiệp chưa hoàn thành phần móng chung cư, chưa có bảo lãnh ngân hàng, chưa giải chấp tài sản thế chấp, hoặc chưa được Sở Xây dựng chứng nhận đủ điều kiện nhưng đã bán nhà hình thành trong tương lai cho người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua nhà.

Hỗ trợ khởi nghiệp - cho mở văn phòng tại chung cư

Đề nghị cho phép doanh nghiệp "siêu nhỏ" được mở văn phòng tại căn hộ chung cư, để khuyến khích phong trào khởi nghiệp trong thanh niên là một kiến nghị mạnh mẽ từ Hiệp hội BĐS Tp.HCM. Theo đó, Khoản 11 điều 6 Luật Nhà ở cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, và khoản 7 điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP đã quy định kể từ ngày 10/06/2016 phải chấm dứt hoạt động kinh doanh tại các căn hộ chung cư chỉ dùng để ở.

Mới đây, Sở Kế hoạch Đầu tư Tp.HCM vừa thông báo quy định trong vòng 2 tuần các hộ kinh doanh phải chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi căn hộ chung cư là đúng với quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, việc này đã gây bức xúc lớn vì công tác tuyên truyền pháp luật nhà ở chưa đến với người dân. Hơn nữa, nhiều hộ dân đã kinh doanh lâu đời tại đây như chung cư 2 tầng mặt tiền đường Lê Lợi, chung cư mặt tiền đường Nguyễn Huệ, Hồ Tùng Mậu (quận 1) được người dân thành phố và du khách nước ngoài rất thích, tạo nên nét văn hóa độc đáo từ lâu.

Hiệp hội đề nghị có nhiều phương án xử lý cho phù hợp tình hình thực tiễn, và để hỗ trợ phong trào khởi nghiệp trong thanh niên.

Cụ thể, đối với những chung cư cũ, thấp tầng, tách bạch lối đi riêng, đã có tập quán kinh doanh lâu đời thì cần đưa vào quy hoạch khu vực kinh doanh theo loại hình căn hộ dịch vụ trong chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp, để được tồn tại, phát triển; Đối với những chung cư xây dựng sau khi Luật Nhà ở đã có hiệu lực, đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư, và Ủy ban nhân dân thành phố quy định thời hạn để chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi căn hộ chung cư trong thời hạn không thấp hơn 1 năm, để giảm thiểu thiệt hại cho các hộ gia đình.

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị sửa đổi khoản 11 điều 6 Luật Nhà ở theo hướng cho phép đăng ký kinh doanh doanh nghiệp siêu nhỏ, có số lao động không quá 03 người được hoạt động tại căn hộ chung cư để khuyến khích phong trào khởi nghiệp của giới trẻ.

Theo Lộc Nguyễn

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên