Bất ngờ bỏ đầu tư hơn 40 dự án theo hình thức BT
Hà Nội hiện có tổng số 63 dự án được đầu tư theo hình thức BT (Xây dựng –Chuyển giao).
- 12-06-2013Rà soát các dự án BT trên địa bàn Hà Nội
- 02-05-2013Dự án BT hết thời “mỏ vàng”
Tháng 4/2013 vừa qua Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo chi tiết về công tác rà soát, tình hình triển khai các dự án BT lên Thành phố. Theo đó, trong tổng số 63 dự án có 12 dự án đã và đang triển khai (đã ký hợp đồng), 20 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư, 25 dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương nhưng chưa chọn nhà đầu tư và 6 dự án đã chấp thuận nguyên tắc hoặc nhà đầu tư tự báo cáo Thủ tướng.
Đa phần các dự án BT đều là các công trình giao thông lớn trên địa bàn Tp.Hà Nội. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư nhìn chung tiến độ các dự án đều chậm, dự án đã hoàn thành thì chưa quyết toán được, dự án đang triển khai thì chưa điều chỉnh hợp đồng, tổng mức đầu tư, chưa xác định quỹ đất đối ứng; Các dự án đã giao nhà đầu tư thì việc đàm phán hợp đồng rất chậm…Nguyên nhân chính là do quy hoạch, GPMB, kinh tế suy thoái, quy định về đầu tư BT.
Dừng hàng loạt dự án
Trước thực trạng trên, 29/11/2013 Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã có buổi họp về các dự án BT trên địa bàn thành phố, và ra kết luận về hoạt động đầu tư các dự án này. Theo đó, nhiều thay đổi lớn về công tác đầu tư này sẽ thay đổi.
Các dự án đã hoàn thiện sẽ tập trung vào khâu quyết toán như Bảo tàng Hà Nội, đường Lê Văn Lương kéo dài và trục Bắc quận Hà Đông. Trong 7 dự án đã ký hợp đồng với nhà đầu tư và đang triển khai thì Hà Nội quyết định dừng 4 dự án gồm tuyến liên tỉnh Hà Nội –Hưng Yên, đường trục phía Nam Hà Tây của Cienco5, đường trục Bắc –Nam Hà Tây của Nam Cường,…các dự án này sẽ được thanh lý hợp đồng, ngoài ra 2 dự án là đường Đỗ Xá –Quan Sơn và đường Thành cổ Sơn Tây –Đền Và chấm dứt hợp đồng.
Trong số 4 dự án dừng triển khai dự án Hà Nội –Hưng Yên đã triển khai được khoảng 58%, dự án đường phía Nam Hà Tây cũ của Cienco5 dự án KĐT đối ứng là Thanh Hà và Mỹ Hưng, dự án trục Bắc –Nam Hà Tây của Nam Cường (thành phố đã thu hồi dự án khu đô thị Thạch Thất 800ha).
Bỏ đầu tư theo BT
Sự thay đổi lớn nhất phải kể đến là số phận của 41 dự án sẽ không thực hiện hợp đồng BT, quỹ đất đối ứng của các dự án này sẽ giao lại cho sở,ngành, quận để chuẩn bị các thủ tục cho đấu giá hoặc đấu thầu, tạo nguồn vốn để xây dựng. Những dự án này sẽ được thanh lý hợp đồng đã ký.
Trong số 41 dự án không đầu tư theo hình thức BT có rất nhiều dự án giao thông lớn nằm ở khu vực phía Tây như đường 70 đoạn Đại lộ Thăng Long –Nhổn của CTCP BĐS Thái An, QL3 mới địa phận qua Hà Nội, đường nối QL32 với đường 23, đường trục Miếu Môn –Hương Sơn, dự án mở rộng vành đai 3 Mai Dịch –Nội Bài, trục Tây Thăng Long,…
Sau khi Hà Nội bỏ 41 dự án không đầu tư theo hình thức BT, dừng 4 dự án và chấm dứt hợp đồng với 2 dự án. Theo kết luận của Chủ tịch thành phố, Hà Nội chỉ còn lại 5 dự án đã xong và quyết toán, và còn lại 11 dự án sẽ tiếp tục đầu tư, triển khai. Trong đó, dự án Trạm xử lý nước thải Hồ Tây có dự án đối ứng là ô đất CT03 đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 3 cần đẩy nhanh tiến độ GPMB, dự án bệnh viện đa khoa 1000 giường giai đoạn 2 sẽ xem xét đầu tư sau 2015.
Còn lại 9 dự án Thành phố tiếp tục cho triển khai đầu tư gồm (1) Tuyến đường 2,5 Đầm Hồng đến QL1A, (2) Tuyến đường từ khu tưởng niệm Chu Văn An, (3) Tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến KĐT mới Thượng Thanh, (4) Công viên hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy, (5) Công viên Bắc-Nam Mai Dịch, (6) Nút giao Long Biên, (7) đường 70 Hà Đông-Văn Điển, (8) Dự án đường trên cao vành đai 2, (9) Trạm bơm Đông Mỹ.
Kiều Thuật