MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bồi thường theo kiểu… chọc ghẹo dân!

28-02-2014 - 07:14 AM |

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM, phải thốt lên như vậy tại buổi giám sát việc bồi thường, giải phóng mặt bằng ở quận Bình Tân.

Công tác giải phóng mặt bằng ở quận Bình Tân để phục vụ dự án nạo vét, chỉnh trang kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, ngày 27-2.

Chính vì chọc ghẹo dân mà đến nay đã trên 10 năm kể từ khi dự án có quyết định phê duyệt quận Bình Tân vẫn còn gần 400 hộ dân, doanh nghiệp chưa bàn giao mặt bằng, trong khi lẽ ra dự án phải xong trong năm 2013. Sự chậm trễ kéo dài này không chỉ gây bức xúc cho các hộ dân, doanh nghiệp trong diện bị giải tỏa mà còn gây bức bối cho hàng triệu người dân khác trên lưu vực kênh do chậm được xóa ngập, giảm ô nhiễm. Chưa hết, dự án còn đang đối diện với nguy cơ bị đơn vị tài trợ cắt nguồn vốn trên 2.000 tỉ đồng và mất hy vọng tìm thêm nguồn tài trợ gần 700 triệu USD cho giai đoạn kế tiếp.

Có điều lạ là chính quyền cấp phường, quận ở Bình Tân cũng bức xúc không kém. Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, nói: “Dự án qua quận dài 16 km (tổng dự án là 33 km, đi qua tám quận/huyện), phải giải tỏa gần 2.270 trường hợp. Bình Tân là địa phương đầu tiên lập phương án bồi thường nhưng hóa ra chính sách bồi thường lúc này lại cho ra mức bồi thường thấp hơn so với các quận/huyện thực hiện sau. Đã vậy có một khoảng thời gian dài không có tiền để chi trả bồi thường và nơi bố trí tái định cư cũng không. Đến khi có tiền, đủ chỗ tái định cư thì dân chê nơi tái định cư xuống cấp, xa chỗ giải tỏa và không phù hợp với nếp sống của họ.

“Địa phương có thể cưỡng chế nhưng như thế sẽ gây bất ổn cho xã hội, làm xáo trộn đời sống của người dân mà hầu hết họ là dân nghèo, phải sống tạm bợ bên dòng kênh ô nhiễm hiện nay. Chính sách của quận không ban hành được, giá bồi thường cũng không tự áp và quận mong muốn là người dân được bồi thường, hỗ trợ càng cao càng tốt. Quận nhiều lần kiến nghị hỗ trợ thêm để người dân ổn định cuộc sống nhưng không hiểu vì sao các sở, ngành không chấp thuận. Thôi, chúng tôi xin nhường lại để các anh xuống làm đi” - ông Chính nói.

Nhiều cán bộ địa phương thẳng thắn nói với người viết: “Nhiều hộ là nạn nhân của đầu nậu mua bán đất giấy tay và sự lỏng lẻo trong quản lý chỉ được hỗ trợ, không bồi thường. Cả một nhà bốn, năm nhân khẩu nhưng hỗ trợ chỉ 6 triệu đồng thì sao dân chấp nhận được”.

Đến đây ông Phạm Văn Đông bình luận: “Bồi thường như vậy chẳng khác nào chọc ghẹo dân. Trong một dự án có nhiều chính sách, cớ sao không áp dụng chính sách có lợi nhất cho dân mà đợi đến khi khiếu kiện rầm trời mới làm, gây khổ cho người dân?”. Ông Đông kiến nghị UBND TP sớm duyệt mức bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho dân để sớm tháo gỡ nỗi khổ cho người dân và chính quyền.

Theo MINH PHONG

ngatt

Pháp Luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên