Cực khó tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng
TP Đà Nẵng sẽ bảo lãnh để dân vay tiền xây nhà trọ công nhân.
Tuy nhiên, theo ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, hiện doanh nghiệp không mặn mà với dự án nhà ở cho công nhân vì sợ thua lỗ (do phải cho thuê với giá rẻ). Trong khi đó, hiện có tới hơn 28.500 công nhân ở Đà Nẵng đang rất cần chỗ ở. “Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ 70% tổng nguồn vốn, 30% còn lại TP sẽ tự cân đối ngân sách để xây nhà ở cho công nhân. Có như vậy, may ra công nhân mới có nhà ở” - ông Khương đề xuất.
Trong khi chờ Chính phủ xem xét, TP Đà Nẵng cho hay sẽ bảo lãnh cho hàng trăm hộ dân sống ven các khu công nghiệp vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để xây nhà trọ cho công nhân.
Ông Khương cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến để Chính phủ đồng ý chủ trương cho TP bán thí điểm một số khối nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách. “Nghị định 34/2013 không cho phép TP bán nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước mà chỉ cho thuê. Đây là việc làm bao cấp và dài tay của Nhà nước. Hiện nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân rất lớn, vì thế không có lý do gì lại không cho phép bán thí điểm. Nếu không được phép thí điểm, TP sẽ tìm cách “lách luật” để bán” - ông Khương nói.
Về gói vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng của Chính phủ, lãnh đạo Đà Nẵng cho hay hiện các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vô cùng khó tiếp cận. Nhiều dự án dang dở muốn vay tiền để hoàn thiện nhưng không thể vay được. Người dân có nhu cầu cũng không được vay. “Gói 30.000 tỉ đồng không có hiệu quả” - ông Khương đánh giá.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT, đề nghị TP Đà Nẵng làm rõ vụ khiếu kiện kéo dài của 68 hộ dân ở giáo xứ Cồn Dầu, quận Cẩm Lệ. “Theo người dân, việc TP di dời họ đi chỗ khác nhưng vẫn để lại nhà thờ là không phù hợp” - ông Yên nói.
|
>>> Thủ tướng đồng ý tăng thời gian vay vốn ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng lên 15 năm