MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất thành lập cơ quan quản lý không gian ngầm

29-07-2012 - 08:43 AM |

Cơ quan đặc biệt này có nhiệm vụ lưu trữ thông tin, đề xuất định hướng phát triển không gian ngầm, cấp phép thi công và có quyền yêu cầu chủ đầu tư sữa chữa nếu sai sót.

Ngày 28/7, Tổng Hội xây dựng Việt Nam đã tổ chức hội thảo: "Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị". Hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều khẳng định, không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý giá cần được khai thác để trở thành "không gian thứ hai của đô thị hiện đại". Tuy nhiên, hiện nay không gian ngầm đang trong tình trạng quy hoạch và quản lý bất cập theo kế hoạch của từng ngành, chưa có sự kết nối với nhau.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, TP HCM có nhiều công trình hạ tầng được xây dựng dưới lòng đất như 7 tuyến tàu điện ngầm (khoảng hơn 60 km đi ngầm), một hệ thống bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư... Đến năm 2015, dự kiến 100% lưới điện khu vực trung tâm sẽ đi ngầm dưới đất. Hệ thống đường cáp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông cũng sẽ được xây dựng ngầm để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Trước quy hoạch này, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, thành phố đang gặp phải những bất cập lớn cần phải giải quyết ngay. Cụ thể, công tác quy hoạch và quản lý không đồng bộ, mỗi cơ quan chủ quản chuyên môn quản lý riêng lẻ công trình của ngành mình... làm cản trở đến tiến độ dự án.

"Thành phố cũng chưa có quy định về sử dụng chung hạ tầng của một số lĩnh vực nên đã dẫn tới tình trạng đường giao thông vừa xây dựng xong lại bị đào bới để thi công công trình ngầm (điện, nước, viễn thông...) tạo nên sự chắp vá và lộn xộn", ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, TP HCM hiện chưa có một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và điều phối các hoạt động xây dựng hạ tầng chung cho toàn thành phố, đặc biệt là chưa xây dựng được bản đồ các công trình ngầm.

Đồng quan điểm với vị chuyên gia này, ông Vương Hoàng Thanh - Phó ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP HCM đề xuất, thành lập cơ quan đặc biệt Quản lý không gian ngầm thành phố. Cơ quan này có nhiệm vụ lưu trữ thông tin về không gian ngầm, đề xuất định hướng quy hoạch phát triển và sử dụng không gian ngầm của thành phố.

Cơ quan này còn có những chính sách đặc biệt như cấp phép thi công cho công trình ngầm, được quyền giữ tiền ký quỹ của đơn vị thi công và trả lại khi hết thời gian bảo hành. "Trong thời gian bảo hành, nếu phát hiện có sai sót cơ quan này có quyền yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công sữa chữa. Nếu sau 3 lần yêu cầu không thực hiện thì có thể dùng tiền ký quỹ để sữa chữa", ông nói.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Hoàng Giang - Viện Nền móng và Công trình ngầm FECON đưa ra những rủi ro trong xây dựng công trình ngầm. Theo ông, trong những năm tới, TP HCM và Hà Nội sẽ xây hệ thống tàu điện ngầm, bãi giữ xe ngầm tại vườn hoa Hàng Đậu, công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám... đặt ra thách thức lớn cần phải nghiên cứu, đánh giá các rủi ro và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.

Toàn cảnh hội thảo:
Toàn cảnh hội thảo: "Quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị". Ảnh: Tá Lâm.

TS Giang đã đưa ra 2 loại rủi ro thường gặp nhất là sập bề mặt và sập dưới lòng đất. Về sập bề mặt, ông Giang cho biết là do nguyên nhân từ xói mòn của nước ngầm, hệ thống đào và gia cố vách không đạt yêu cầu... "Tháng 11/2008, hầm tàu điện ngầm tại TP HangZhou (Zhejiang, Trung Quốc) bị sập làm 3 người chết, 10 xe con và 1 xe buýt bị rơi xuống hố. Năm 1994, đường hầm tại sân bay Heathrow (Anh) bị sập. Hậu quả là ga số 4 phải đóng cửa một tháng", ông Giang dẫn chứng.

Về sập dưới lòng đất, ông Giang cũng khẳng định, nguyên nhân từ nhiều yếu tố như nền đất yếu, tác động đột ngột hay sự thay đổi điều kiện đất nền... Ngoài ra, 5 sai sót cũng dẫn đến sự cố công trình ngầm như sai sót trong công tác khảo sát địa chất, trong quy hoạch thiết kế, sai sót về số liệu, trong quá trình thi công và trong quản lý, kiểm soát.

Theo Tá Lâm

Vnexpress


ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên