Định nghỉ việc nhưng gặp “plot twist” vào phút chót: Bạn sẽ kẹt ở mức lương 5 triệu nếu cứ mãi ngại sếp!
Được tăng lương, lại tìm được thêm nguồn thu nhập thứ 2 là những kết quả ngoài mong đợi của Xuân Phong khi quyết định nghỉ việc.
- 06-05-2024Tự tin xin nghỉ việc vì trong tay có 50 triệu đồng: Chỉ sau 2 tháng đã thấy hối hận
- 30-04-2024Nghỉ lễ dài như nghỉ Tết còn được công ty phát thưởng: Người khoe nhận mấy triệu, người khẳng định “không được thưởng thì nghỉ việc lâu rồi”
- 18-04-2024Chuyên viên tập đoàn đa quốc gia hàng đầu tự nghỉ việc giữa bão sa thải: Chuẩn bị thế nào để một năm nghỉ ngơi không mang áp lực tài chính?
Phòng khi bạn đã quên: Năm 2023 vừa qua có thể nói là "một nỗi ám ảnh" với hội nhân viên văn phòng vì làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự càn quét không thiếu ngành nghề nào. Giữ được công việc trong bối cảnh khó khăn ấy là điều đáng mừng, không mong gì hơn, kể cả tăng việc nhưng không tăng lương cũng vẫn ok hơn rơi vào cảnh thất nghiệp.
Đây chắc hẳn là suy nghĩ của không ít người trong số chúng ta - hội làm công ăn lương. Tuy nhiên, đến giờ này, sau khoảng 1 năm gồng gánh thêm nhiều việc mà lương vẫn thế, cảm giác "oải", có phần nản lòng là điều khó tránh khỏi.
Xuân Phong (28 tuổi), hiện đang là nhân viên phân tích dữ liệu cho một công ty Fintech cũng trong tình trạng đó.
Cuối tháng 2 năm 2024, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Phong đã ầm thầm rải CV để tìm "bến đỗ mới" trước khi nộp đơn xin nghỉ việc. Anh dự định sẽ xin nghỉ việc vào cuối tháng 3/2024.
Tuy nhiên, hiện tại, Phong vẫn đang làm việc ở công ty mà anh đã định nghỉ với mức lương được tăng, đồng thời, tìm thêm được một công việc freelance.
Kiệt sức, chán nản vì lương giảm 10% mà khối lượng công việc tăng 40%
Quay trở lại khoảng thời gian đầu năm 2023, Phong cho biết: "Mình là 1 trong 3 nhân sự còn trụ lại được sau 2 đợt cắt giảm nhân sự từ tháng 2/2023 đến cuối tháng 5/2023. Lúc ấy thật sự chẳng khác nào ngồi trên đống lửa, chỉ biết cầu trời để giữ được công việc. Sau đợt cắt giảm đầu tiên, công ty mình giảm 10% lương, rồi mới tới đợt cắt giảm thứ 2.
Team mình trước đó có 7 người, cuối cùng, chỉ còn lại mình và 2 người nữa. Khối lượng công việc vẫn thế nên những người ở lại sẽ phải làm nhiều hơn".
Qua được khoảng thời gian "thở phào" vì mình vẫn còn giữ được công việc, Phong bắt đầu cảm thấy đuối sức. Song song với đó là cảm giác áp lực về chuyện tài chính.
Trước khi bị giảm lương, thêm việc, Phong sinh hoạt khá lề lối: 7h về đi đá bóng, 9h về tự nấu nướng, ăn uống, chuẩn bị cơm mang đi làm, đến 11h thì lên giường đi ngủ.
Anh gần như không chi tiêu quá nhiều cho việc mua sắm hay ăn ngoài, nên hàng tháng đều gửi về cho bố mẹ được 5 triệu, ngoài ra còn tiết kiệm được 3-4 triệu để dành lấy vợ.
"Việc tăng nên gần như ngày nào mình cũng ở lại công ty làm đến 7-8h, có hôm 9h mới về. Không còn thời gian nấu nướng, tập luyện gì nên mình toàn ăn ngoài, công việc cũng áp lực nên mình còn bắt đầu hút thuốc.
Tiền ăn ngoài rất tốn, bình thường tự nấu thì mình chỉ hết khoảng 3-3,5 triệu đồng tiền ăn 1 tháng, nhưng ăn ngoài thì hết tới 6-7 triệu là ít, vì anh em làm với nhau xong lại rủ nhau đi nhậu nên khá tốn" - Phong kể và cho biết kể từ khi bị giảm lương, anh không duy trì được tỷ lệ tiết kiệm, tiền gửi biếu bố mẹ hàng tháng cũng giảm theo.
Vì tất cả những lý do ấy, Phong quyết định đã đến lúc tìm việc mới, với mức lương tốt hơn, hoặc ít nhất là cũng tương xứng với số giờ làm.
Liều ăn nhiều: Deal lương thành công còn dắt túi việc freelance thu nhập không vừa
Trong quá trình âm thầm rải CV, dù chưa tìm được một công việc full-time mới nhưng đến ngày 20/3/2024 Phong lại chính thức "trúng" một job freelance với mức lương 8 triệu/tháng.
"Chốt nhận job 8 triệu ấy xong là mình nộp đơn xin nghỉ ngay, vì nghĩ là 8 triệu cũng đủ để trang trải nhu cầu cơ bản trong thời gian vừa bàn giao công việc cũ, vừa tìm việc full-time khác" - Phong kể.
Khi trao đổi với cấp trên về lý do nghỉ việc, Phong cũng thành thật thừa nhận công việc quá nhiều, quá áp lực và quan trọng hơn cả là mức lương không tương xứng. Phong khẳng định bản thân sẵn sàng làm thêm việc và chấp nhận giảm lương trong vài tháng, khi công ty quá khó khăn, nhưng nếu tình trạng đó kéo dài cả năm, anh không nghĩ mình nên tiếp tục.
"Mình trình bày như vậy với cấp trên và cũng không giấu diếm chuyện bản thân đang gặp áp lực trong cả cuộc sống lẫn vấn đề tiền bạc. Sau khi nghe mình chia sẻ, sếp của mình có hứa hẹn sẽ trao đổi với lãnh đạo cấp cao hơn để xem có tăng lương hoặc cân đối lại khối lượng công việc của mình được hay không, rồi cả hai sẽ nói chuyện sau. Lúc ấy mình cũng chẳng tin lắm, chỉ nghĩ sếp nói cho có vậy thôi" - Phong thành thật.
Tuy nhiên, 2 ngày sau, Phong được gọi vào phòng họp cùng cấp trên và Giám đốc bộ phận. Buổi họp diễn ra trong khoảng 40 phút.
Kết quả cuối cùng: Khối lượng công việc của Phong được giảm khoảng 10%, mức lương tăng 25% so với mức lương ở thời điểm công ty chưa giảm 10% lương của toàn bộ nhân sự.
"Tính ra, mình được tăng 25% lương. Cộng thêm việc đã có thêm công việc freelance lương cũng khá nên mình quyết định không nghỉ việc nữa, vui vẻ làm việc cống hiến cho công ty" - Phong kể.
Quyết định giảm khối lượng công việc và tăng lương của Phong được áp dụng từ tháng 4/2024. Với thu nhập như hiện tại, Phong cảm thấy áp lực tài chính của mình đã vơi đi đáng kể. Vấn đề duy nhất mà anh chưa tìm được cách khắc phục chỉ là việc cân bằng giữa thời gian làm việc với thời gian hoạt động thể dục thể thao và chuyện tình cảm.
Dẫu vậy, Phong cho biết vì dự định kết hôn vào năm sau, nên việc "cày cuốc" kiếm tiền cũng là động lực, không còn là sự chán nản nữa.
"Tính mình hay cả nể, không biết từ chối và cũng rất ngại phải đề cập chuyện lương thưởng với cấp trên. Tuy nhiên, sau việc này, mình nhận ra là cũng không có gì phải ngại trong chuyện đề xuất tăng lương. Nếu bạn đã công hiến và nỗ lực đủ, không có gì phải ngại.
Còn đương nhiên, đề xuất có được duyệt hay không còn phụ thuộc vào cấp trên và cách đánh giá nhân sự của họ, cái này thì mình không tác động được. Việc cần làm là dám nói ra, dám trình bày nguyện vọng của mình thôi" - Phong chia sẻ.
Phụ nữ số