Nghỉ lễ dài như nghỉ Tết còn được công ty phát thưởng: Người khoe nhận mấy triệu, người khẳng định “không được thưởng thì nghỉ việc lâu rồi”
Nhiều nhân sự cho rằng thưởng trong dịp lễ 30/4 - 1/5 là khoản tiền xứng đáng cho công sức lao động.
- 21-04-2024Hết thưởng quản lý cả trăm triệu, Hoà Minzy lại gây sốt khi tặng món đồ đặc biệt cho trợ lý
- 20-02-2024Công ty thưởng Tết 343 tỷ đồng bằng trò đếm tiền: Người nhanh tay thậm chí kiếm được hơn 340 triệu đồng
- 06-02-2024Suy thoái kinh tế “chặn” đường về quê ăn Tết: Từng kiếm 100 triệu/tháng nhưng giờ không dám đối diện với câu hỏi lương thưởng của họ hàng
Chuyện lương thưởng luôn được bàn tán rộn ràng khi các dịp lễ lớn đến. Bởi bên cạnh lời than thở của một số nhân sự không nhận được đồng nào, thì có nhiều dân văn phòng chia sẻ đã được công ty “ting ting" tiền thưởng trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 dài như Tết.
Có người khoe chỉ nhận vài trăm ngàn, nhưng cũng có nhân sự được thưởng lên đến hàng triệu đồng. Đằng sau khoản thưởng lễ 30/4 - 1/5 này, nhân sự nói gì về môi trường làm việc tại công ty?
Ngóng đợi tiền thưởng về tay trước kỳ nghỉ lễ dài như Tết
Kim Chi (SN 1998, Hà Nội) đang làm Business Analyst cho công ty trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, cô nhận được tiền thưởng 3 triệu đồng dù mới làm 6 tháng. Cô định dùng chúng để đi chơi, bù cho phần tiền lương hao hụt do ăn cưới quá nhiều.
Nói về các khoản lương thưởng khác của công ty, Kim Chi chia sẻ: “Công ty mình thường hay thưởng thêm quà và tiền cho nhân viên. Trong đợt Tết dương lịch và âm lịch vừa rồi, mình lần lượt nhận được là 1 và 1,5 tháng lương. Mình thường dùng số tiền này để tích luỹ, trích một phần đi đầu tư hoặc mua món quà đắt tiền chút tặng bố mẹ".
Cũng trong dịp lễ 30/4 - 1/5 này, V.H (SN 1992, Kế toán viên tại Hà Nội) nhận được tiền thưởng là 4 triệu đồng. Tiền thưởng của cô được chuyển thành 2 đợt, một đợt cuối tháng 3 và một đợt trước kỳ nghỉ lễ khoảng 1 tuần.
V.H chia sẻ: “Trước kỳ nghỉ lễ, mình và đồng nghiệp đều mong đợi tiền về tay, vì truyền thống của công ty năm nào cũng tặng thưởng vào dịp lễ này. Năm nay, vì kinh tế khó khăn nên mình nghĩ khoản thưởng sẽ cắt giảm. Nhưng may là khoản tiền về tay tương đương năm ngoái, không bị bớt khoản nào".
Nhận đến 5,5 triệu đồng tiền thưởng trong dịp nghỉ lễ là Tường Vi (SN 1994, TP.HCM) đang làm công nhân sản xuất thực phẩm. Cô chia sẻ về cách dùng khoản tiền này: “Mọi năm khi chưa có con, mình sẽ dùng tiền thưởng để mua sắm hoặc đi chơi. Nhưng năm nay có con rồi thì mình cất chúng để tiết kiệm".
Không riêng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 , công ty của Tường Vi thường xuyên thưởng tiền cho nhân viên. “Bên cạnh thưởng vào dịp lễ thì mỗi năm công ty còn thưởng tiền 2 đợt cho nhân viên đạt chỉ tiêu, dao động từ 200 ngàn - 5,5 triệu đồng cho một đợt. Mức thưởng lớn nhất của mình là tiền thưởng cho Tết Nguyên đán. Hai năm gần đây, mình được nhận 23 triệu đồng cho thưởng Tết âm lịch".
“Nếu không có tiền thưởng, mình đã nghỉ công ty này lâu rồi”
Chính sách đãi ngộ dành cho nhân viên, bao gồm lương thưởng, chế độ phúc lợi,... là cách để chủ doanh nghiệp giữ chân người lao động. Nhiều quan điểm cho rằng, nếu một nhân sự nhận được mức lương cao hoặc tiền thưởng nhiều thì áp lực công việc cũng phải lớn hơn người bình thường. Còn thực tế thì sao?
Kim Chi bày tỏ, hiện cô đánh giá công ty đã làm tốt trong việc tạo môi trường làm việc thoải mái cho nhiều nhân viên, trong số đó là đảm bảo tiền thưởng và mức lương.
Cô nàng chia sẻ: “Tất nhiên là cũng có những lúc mình rất bận và phải chạy deadline. Tuy nhiên, bù lại là môi trường công ty thoải mái và trẻ trung. Mọi người hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đảm bảo lương thưởng thì khi sử dụng dịch vụ của công ty cũng nhận được nhiều ưu đãi. Công ty mình không chỉ có bảo hiểm cho nhân viên mà còn cho vợ chồng, con cái. Đãi ngộ của công ty khá tốt khiến mình muốn cống hiến hơn và kêu gọi bạn bè vào làm chung”.
Trong khi đó, V.H và Tường Vi nhận định tiền thưởng vào ngày lễ là một sự quan tâm, khích lệ tinh thần nhân viên không thể thiếu.
Bản thân V.H cho rằng, khi một nhân sự nhận được mức thưởng cao thì nên nhìn dưới 2 góc độ là chủ doanh nghiệp và người đi làm. Với chủ doanh nghiệp, tiền thưởng là cách để họ tạo phúc lợi và khích lệ nhân viên. Còn về phía người đi làm, tiền thưởng đơn giản là cách nhân sự nhận được sau thời gian làm việc vất vả, đi kèm áp lực công việc.
V.H nhận định: “Nhận thưởng vào ngày lễ mà không phải công ty nào cũng tặng tiền cho nhân viên, như dịp 30/4 - 1/5 này thì với mình là khá vui. Nhưng mình không cho rằng đó là ‘may mắn’, bởi đây là số tiền mình đáng nhận được sau thời gian làm việc.
Thực ra, lương tháng của mình có thể không bằng nhiều nhân sự làm tại công ty ngoài kia. Nhưng nếu tính thêm thưởng vào các đợt lễ khác thì tiền lương mặt bằng chung sẽ ngang ngửa, trong khi một số chính sách cho nhân viên vẫn được đảm bảo. Giữa năm kinh tế còn khó khăn, mình chỉ mong công ty duy trì làm ăn và trả đủ lương cho nhân viên như bình thường, chứ không mong đợi được thưởng quá nhiều".
Còn về phía Tường Vi, cô tâm sự ngắn gọn về tiền thưởng dịp 30/4 - 1/5 của mình: “Nếu không có thưởng thì mình đã nghỉ công ty này từ lâu rồi”. Cô cho biết bản thân đã suy tính chuyển nhảy sang nơi làm mới. Bởi mặc dù công ty hiện tại có chế độ đãi ngộ và tiền thưởng tốt, nhưng lương tháng rất thấp đi kèm lịch làm việc dày đặc khiến sức khỏe cô ngày càng đi xuống.
“Thưởng cao nhưng áp lực công việc không kém" - là nhận định được Tường Vi đồng tình khi nói đến công việc của mình. “Mình không rõ công ty khác như thế nào, nhưng công ty mình tăng ca rất nhiều, làm từ thứ hai đến chủ nhật, hiếm khi được nghỉ. Mình làm từ 7h sáng tới 9-10h tối và đi ca đêm liên tục. Nhưng đổi lại lương tháng rất thấp", Tường Vi bày tỏ.
Phụ nữ mới