MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá đất phải tính tại thời điểm bị thu hồi

27-09-2013 - 14:28 PM |

Cần rà soát, tránh chồng lấn giữa Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đầu tư công.

Tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 26-9, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng các quy định trong dự luật vẫn nghiêng về tạo thuận lợi cho nhà quản lý và nhà đầu tư mà nhẹ về đảm bảo quyền lợi của dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, khái niệm thu hồi “đất dự án phát triển kinh tế, xã hội” dễ bị lợi dụng, do đó cần cụ thể hóa ngay trong luật chứ không nên giao cho Chính phủ quy định. Khi thu hồi đất, nhà đầu tư thường không thích cơ chế tự thỏa thuận với dân vì dễ bị kéo dài, ách tắc. Do đó, “chúng ta cần bổ sung quy định: Với dự án đền bù giải phóng mặt bằng đã được sự đồng thuận của 70%-80% số hộ có đất thì 20% còn lại cũng phải di dời” - bà Nga nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng muốn thu hồi đất thì trước hết phải thỏa thuận được giá đất, giá đất phải được công khai, minh bạch. Phương án tính giá đất phải được tính tại thời điểm thu hồi và sát giá thị trường chứ không phải tại thời điểm ra quyết định thu hồi.

Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, nhắc lại thực tế khó khăn mà người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đang phải gánh chịu. “Vẫn biết quy hoạch cần có thời gian thực hiện. Nhưng nếu thời gian kéo dài hàng thập kỷ hoặc bằng cả một đời người thì người dân sống trong đó rất cơ cực. Do đó, chúng ta phải nghiên cứu quy định sao cho phù hợp với thực tế này” - ông Đương nói.

Cùng ngày, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng tổ chức phiên họp cho ý kiến đối với dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Bảo vệ môi trường.

Theo ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ luật Dân sự có quy định thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Tuy nhiên, trên thực tế có những vụ việc gây ô nhiễm khi bị phát hiện thì đã hết thời hiệu khởi kiện. Vì vậy, ông Nhân đề nghị nên quy định thời hiệu khởi kiện là hai năm tính từ thời điểm phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều đại biểu đánh giá hoạt động xây dựng có tính chất phức tạp, đa dạng, trong khi Quốc hội đang chuẩn bị ban hành và sửa đổi nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động xây dựng như Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đầu tư công. Vì vậy, ban soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan rà soát dự án luật để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Ủy ban Pháp luật), cả ba dự án luật có những nội dung chồng lấn cần được phân định rõ ràng. Cụ thể như về khái niệm vốn nhà nước, cả ba dự án luật đều đưa ra khái niệm này nhưng chưa có sự nhất quán với nhau, nội hàm chưa đồng nhất.

Theo T.Văn - LC

ngatt

Pháp Luật TPHCM

Trở lên trên