MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS. Đặng Hùng Võ: Phê duyệt quy hoạch cần có sự đồng ý của dân

18-10-2013 - 15:27 PM |

Đây là ý kiến của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sửa Luật Đất đai: Cơ chế thu hồi và định giá đất” do Vneconomy tổ chức.

Trước băn khoăn của người dân xung quanh vấn đề khi đồ án quy hoạch 1/2000 đuợc phê duyệt, đất đai nằm trong vùng bị quy hoạch sẽ khó xây dựng và hầu như không có giao dịch mua bán dù nguời dân có hạ giá rẻ tới đâu. Vậy tại sao cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu chủ đầu tư phải chứng minh nguồn tài chính thực hiện dự án trong 2 năm, cũng như sự đồng thuận của 80% nguời dân (tức là nguời bán) trong khu quy hoạch về giá cả đền bù của dự án.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: Hiện nay Luật Quy hoạch đô thị quy định phải lấy ý kiến của người dân khi lập quy hoạch. Luật Đất đai 2003 cũng có quy định tương tự về quy hoạch sử dụng đất cấp xã phải lấy ý kiến của dân. Nhưng rất tiếc là chúng ta chưa có luật nào quy định quy hoạch chỉ được phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của người dân (ví dụ 70%, 80%...) Nói cách khác, việc góp ý của dân hiện nay cũng chỉ được coi là tài liệu tham khảo để người có thẩm quyền quyết định.
 
"Với tư cách của một chuyên gia, bản thân tôi mong muốn Luật Đất đai sắp tới cũng như các luật khác phải có quy định quy hoạch chỉ được phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư nơi có đất. Đây cũng là một quy định được thấy trong hệ thống luật pháp của hầu hết các nước công nghiệp phát triển vì người ta cho rằng quy hoạch được coi định hướng phát triển được đồng thuận của mọi người", ông Võ chia sẻ.
 
Còn về vấn đề năng lực của chủ đầu tư, ông Võ cho biết, theo quy định của Chính phủ hiện nay, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án có quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt cũng có nhiều tiêu chí căn cứ vào năng lực tài chính của chủ đầu tư. Ví dụ như, chủ đầu tư phải có lượng tiền trong tài khoản ít nhất là 30% của tổng kinh phí dự án đầu tư.
 
Nhưng quy định như vậy thường không đánh giá được chính xác năng lực tài chính của chủ đầu tư. Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính vẫn được lựa chọn. Như kinh nghiệm của nhiều nước, người ta thường lấy tiêu chí lựa chọn năng lực tài chính của chủ đầu tư thông qua báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán của vài năm gần nhất. Về tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư ở Việt Nam, chắc chúng ta cũng cần có nhiều đổi mới hơn nữa để lựa chọn được chủ đầu tư đích thực.

Được biết, báo cáo của Liên minh Đất đai (LANDA) công bố ngày 17/10 cũng chỉ rõ, kết quả tham vấn cộng đồng trực tiếp do LANDA thực hiện cho thấy, nguyện vọng sâu xa của người dân là chính sách đất đai và cơ chế chuyển dịch đất đai cần đảm bảo cuộc sống và sinh kế của họ, đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Người dân cần được biết thông tin, được tham gia và được đồng thuận trước những quyết định về đất đai có ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Landa cũng cho biết, đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có tới 94,6% người dân đồng ý cấp huyện chỉ được phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của đa số người dân địa phương nơi quy hoạch; tỷ lệ đồng thuận này cần ít nhất là 70%.

Lan Anh

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên