Hà Nội: 5 bản quy hoạch và 5,86 triệu tỷ đồng?
Trong vòng 20 năm tới đây, chỉ riêng 5 quy hoạch lớn, Hà Nội đã cần tới số vốn cực khủng hơn 5,86 triệu tỷ đồng.
Con số này đã mang lại không ít băn khoăn cho nhiều người tại một hội nghị về quy hoạch đô thị Hà Nội vừa được tổ chức mới đây.
Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế liên tiếp gặp khó, thu ngân sách nhà nước luôn bị đe dọa sụt giảm, nhiều hình thức huy động vốn như: BT, BOT, trái phiếu Chính phủ... đã không còn là thế mạnh, Hà Nội sẽ làm gì để có được số vốn khủng này là một bài toán không mấy dễ.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011-2015 ở mức 12 - 13%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 đạt khoảng 11-12%/năm và khoảng 9,5 - 10%/năm thời kỳ 2021-2030.
GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 – 4.300 USD vào năm 2015; đạt khoảng 7.100 – 7.500 USD vào năm 2020 và tăng lên 16.000-17.000 USD vào năm 2030 (tính theo giá thực tế).
Đến 2015, tỷ trọng dịch vụ chiếm 54 - 55%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41 - 42%, nông nghiệp là 3 - 4%.
Năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 55,5 - 56,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41 - 42% và nông nghiệp là 2 - 2,5%.
Quy mô dân số Hà Nội đến năm 2015 đạt 7,2 – 7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9 – 8 triệu người và năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55% vào năm 2015 và 70 – 75% vào năm 2020.
Theo quy hoạch này, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011 - 2015 dự kiến 1,4 – 1,5 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 69 - 70 tỷ USD), thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 2,5 – 2,6 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 110 - 120 tỷ USD).
Quy hoạch Giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày13/7/2012, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, tổng nhu cầu đi lại trong khu vực Hà Nội đạt khoảng 27,7 triệu chuyến đi/ngày đêm (nhu cầu đi lại hiện tại hàng ngày là 17,6 triệu chuyến đi/ngày đêm).
Nhu cầu vận tải hàng hóa liên tỉnh giữa Hà Nội với các khu vực tới năm 2020 đạt khoảng 0,6 triệu tấn/ngày đêm; tới 2030 đạt khoảng 1 triệu tấn/ngày đêm.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và chuyên chở hàng hóa, Hà Nội sẽ xây dựng hàng loạt cầu đường, bến cảng, đường sắt đô thị, sân bay…
Tổng diện tích đất dành cho giao thông trên toàn thành phố sẽ là 33.237 ha . Dự kiến tổng nhu cầu vốn cho toàn giai đoạn từ nay đến 2030 là gần 1.145.044 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2013-2015 là 171.261,27 tỷ đồng, giai đoạn 2015-2020 là 473.328,57 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2030 là hơn 359 nghìn tỉ đồng; giai đoạn sau 2030 là hơn 137 nghìn tỉ đồng.
Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 và 5 – Vùng thủ đô Hà Nội
Ngày 10/9/2013, Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía nam quốc lộ 18, đã được Chính phủ phê duyệt với tổng chiều dài khoảng 98 km, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.
Ngày 18/4/2014, Quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội theo Quyết định số 561/QÐ-TTg cũng đượcphê duyệt.
Theo đó, đường vành đai 5 sẽ đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành, là Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Trong đó, đoạn qua thành phố Hà Nội dài khoảng 48 km. Tổng chiều dài toàn tuyến đường vành đai 5 khoảng 331,5 km, không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3.
Nhu cầu sử dụng đất cho dự án này khoảng 1.532ha, trong đó Hà Nội 260ha, Hải Dương 290ha, Bắc Giang 238ha, các tỉnh còn lại đều trên 100ha. Về tiến độ thực hiện, giai đoạn trước năm 2020, thông toàn tuyến đường vành đai 5 theo các quốc lộ hiện hữu.
Đồng thời xây dựng một số đoạn tuyến mới có nhu cầu từ 2 - 4 làn xe. Giai đoạn 2020 - 2030, xây dựng toàn tuyến theo quy mô quy hoạch của đường vành đai 5 đạt tối thiểu 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc và quốc lộ; giai đoạn ngoài 2030, xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 85.561 tỷ đồng, tính theo giá năm 2013, trong đó giai đoạn trước 2020 là 19.760 tỷ đồng, giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 32.175 tỷ đồng và giai đoạn sau 2030 khoảng 33.626 tỷ đồng; từ nguồn vốn huy động trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau, trong đó có cả vốn ngân sách, ODA và trái phiếu Chính phủ.
Quy hoạch mạng lưới bán lẻ Hà Nội đến năm 2020
Theo quy hoạch của TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại; 42 trung tâm thương mại và 595 chợ dân sinh...
Trong đó, sẽ đầu tư thêm 10 trung tâm thương mại (TTTM) hạng một; 7 TTTM hạng hai; 16 TTTM hạng ba và 9 TTTM cấp vùng.
Đối với mục tiêu phát triển 595 chợ dân sinh, Hà Nội sẽ phải xây dựng mới 24 chợ hạng một, 79 chợ hạng hai, 478 chợ hạng ba. Dự kiến đến năm 2020, sẽ tiến hành nâng cấp 381 chợ, xây mới 213 chợ và giải tỏa 14 chợ.
Tổng vốn đầu tư cần có để thực hiện quy hoạch này lên tới khoảng 521.000 tỷ đồng (tương đương với khoảng 25 tỷ USD) chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn từ 2011 - 2020 sẽ cần khoảng 161.000 tỷ đồng; giai đoạn từ 2021 - 2030 khoảng 360.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trong và ngoài nước.
Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050
Sáng 20/8/2014, tại Hà Nội, Sở Xây dựng (UBND thành phố Hà Nội) đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch phân vùng xử lý chất thải rắn được chia làm 3 vùng. Vùng I gồm các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và một phần huyện Thanh Trì và các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, diện tích khoảng 1.150 km2.
Vùng II – khu vực phía Nam: Bao gồm một phần huyện Thanh Trì, một phần quận Hà Đông, các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức diện tích khoảng 990,0 km2.
Vùng III là khu vực phía Tây gồm: một phần quận Hà Đông, nội và ngoại thành thị xã Sơn Tây, diện tích khoảng 1.204,6 km2.
Tổng nhu cầu vốn cho toàn bộ Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 ước khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng đến năm 2020 khoảng 3.500 tỷ đồng.
>>>Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua