Hà Nội: 7 trường hợp phải đánh, gắn lại số nhà
UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND, ban hành Quy chế Đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố.
Quy chế đưa ra 7 trường hợp phải đánh lại số và gắn biển số nhà mới theo quy định.
Một là các tuyến giao thông đã đánh số nhà nhưng phát sinh nhiều nhà xây mới hoặc tồn tại nhiều số nhà tự phát với số lượng trên 30% số nhà toàn tuyến.
Hai là các tuyến giao thông đã đặt tên và đánh số nhà nhưng được mở rộng, cải tạo, nhà cũ đã giải phóng mặt bằng, các ngõ được mở rộng thành đường, phố và được đặt tên.
Ba là các tuyến đường phố đã đánh số nhưng được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần đường đó không được đặt tên mới và số nhà trên đoạn nối này có quá 24 nhà mới chưa có số nhà.
Bốn là các ngõ, nghách, hẻm của tuyến đường, phố khách có lối ra đường, phố mới mở rộng và được đặt tên.
Năm là các tuyến giao thông được Thành phố quyết định đánh lại số và gắn mới biển số nhà.
Sáu là đường phố cũ được phân chia thành nhiều đường phố mới hoặc được nhập thành đường phố mới.
Bảy là các nhà chung cư sử dụng số căn hộ sai nguyên tắc quy định tại quy chế này.
Nếu một nhà có cửa mở ra hai tuyến giao thông khác nhau thì nhà đó được đánh số theo tuyến giao thông có mặt cắt ngang lớn hơn. Nếu các tuyến giao thông có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo tuyến có cửa chính vào nhà.
Đối với chiều đánh số nhà mặt đường, mặt phố quy định như sau: Chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm thành phố ra phía ngoại ô và theo chiều quay của kim đồng hồ. Trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang tương đương nhau, chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, Từ Đông Nam sang Tây Bắc.
Trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang chênh nhau, chiều đánh số nhà được thực hiện từ điểm đầu nối với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn; tường hợp các tuyến đường, phố song song với nhau thì chiều đánh số nhà cho các tuyến song song lấy theo cùng chiều đánh số nhà của đường, phố có mặt cắt ngang lớn nhất.
Đối với những tuyến giao thông chưa có nhà xây dựng liên tục, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng trên toàn tuyến giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyêt để lập quỹ số nhà dự trữ cho tuyến đó. Trường hợp sử dụng hết quỹ dự trữ mà có phát sinh tăng số nhà thì áp dụng nguyên tắc chèn số nhà theo quy định của quy chế này.
Trường hợp đoạn đường mới xây dựng ở phía đầu tuyến, nếu số lượng nhà trên đoạn nối dài nhỏ hơn 24 và liên tục thì số nhà trong đoạn đường nối dài được đánh số bằng tên ghép của số nhà đầu tuyến hiện có và chữ cái in hoa tiếng Việt (A, B, C), đánh số liên tục từ số nhà đầu tuyến hiện có theo thứ tự bằng chữ cái tiếng Việt. Trường hợp nhiều hơn 24 thì phải đánh số, gắn lại biển số nhà toàn tuyến...
Tương tự, với căn hộ chung cư, mỗi căn hộ được mang một biển số căn hộ. Biển số căn hộ được lập bằng số ghép của số tầng với số thứ tự của căn hộ, gồm ba hoặc bốn chữ số theo nguyên tắc: Hai chữ số hàng chục và hàng đơn vị ghi số thứ tự của căn hộ trong tầng nhà, hai chữ số hàng nghìn và hàng trăm chỉ số tên của tầng nhà có căn hộ đó.
Trường hợp các khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố sẽ được đánh tên theo chiều từ nhóm nhà nằm gần lối vào dần vào phía cuối khu nhà, đánh tên theo chữ cái in hoa tiếng Việt.
Các tuyến giao thông thuộc khu phố cổ, khu phố cũ đã có số nhà được đưa vào sử dụng ổn định nếu phù hợp thì được giữ nguyên số nhà đã đánh.
Văn bản cũng nêu rõ, chủ sở hữu nhà đã được đánh số, gắn biển sẽ được cấp Giấy chứng nhận số nhà. Giấy chứng nhận số nhà được sử dụng khi cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức làm thủ tục liên quan đến địa chỉ, không có giá trọ công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng.