MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: “Chốt” thời hạn bán nhà theo NĐ 61

07-06-2013 - 14:32 PM |

Như vậy, tính đến thời điểm này, Hà Nội chỉ còn “tồn” khoảng 5.000 căn hộ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước không được bán và cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 61/CP.

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mấy ngày cuối trước thời điểm kết thúc bán nhà theo Nghị định 61/2004/NĐ-CP của Chính phủ, số lượng người dân đến làm thủ tục mua nhà tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng đột biến.

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mấy ngày cuối trước thời điểm kết thúc bán nhà theo Nghị định 61/2004/NĐ-CP của Chính phủ, số lượng người dân đến làm thủ tục mua nhà tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng đột biến.

Mặc dù Hội đồng bán nhà thành phố đã “ấn định” thời gian tiếp nhận hồ sơ chỉ đến 17 giờ ngày 5/6, song do nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng và các đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được đăng ký, nộp hồ sơ mua nhà theo đúng quy định.

Bảy Xí nghiệp trực thuộc Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội đã huy động đội cán bộ làm việc “hết công suất” đến gần 12 giờ đêm ngày 5/6, với mục tiêu đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi về kinh tế cho người dân đang ở thuê, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, Hà Nội đã “chốt” được gần 35.000 hồ sơ kê khai, đăng ký mua nhà và cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 61/CP. Trong đó, có gần 20.000 hồ sơ nhà thuộc diện tự quản do các quận huyện quản lý và cấp giấy chứng nhận; 4.500 hồ sơ do Tổng Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (Bộ Quốc phòng) quản lý.

Riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội “chốt” được gần 10.000 hồ sơ, đáng lưu ý là trong số này có tới gần 5.000 hồ sơ đến những ngày cuối cùng của thời điểm chuyển giao quan trọng này người dân mới “ồ ạt” đến đăng ký, hoàn thiện thủ tục để mua nhà.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Hà Nội chỉ còn “tồn” khoảng 5.000 căn hộ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước không được bán và cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 61/CP do vướng quy hoạch, nhà có tranh chấp, khiếu kiện và nằm trong danh mục nhà biệt thự, phố cổ.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Hội đồng bán nhà thành phố, gần một tháng qua, các quận, huyện, thị xã và các công ty kinh doanh quản lý nhà trên địa bàn đã thông báo, niêm yết công khai tại trụ sở, đơn vị mình về thời điểm 5/6 “chốt” hồ sơ mua nhà và cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 61/CP. Đồng thời, tại mỗi đơn vị đã cử cán bộ nắm vững các quy định của nhà nước và thành phố trực tại bộ phận một cửa và đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, yêu cầu của người dân.

Đối với những trường hợp không đủ điều kiện bán và cấp giấy chứng nhận theo quy định, các đơn vị đã có thông báo công khai tại trụ sở tiếp nhận hồ sơ và tới hộ gia đình sử dụng nhà, đất. Các trường hợp đã ký hợp đồng mua bán nhà và đến thời hạn quy định trong hợp đồng nhưng người mua nhà chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước, các công ty kinh doanh và quản lý nhà cũng thông báo đến người dân để thực hiện việc nộp tiền.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, những trường hợp nộp hồ sơ từ ngày 6/6/2013, nếu đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 34/2013/NĐ-CP về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (thay thế Nghị định số 61/CP) sẽ được giải quyết sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Quyết định của UBND thành phố Hà Nội.

Trong Nghị định mới này có nhiều nội dung thay đổi quan trọng về đối tượng được mua nhà và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chế độ miễn, giảm; trình tự, thủ tục; đặc biệt là giá bán nhà mới sẽ tăng từ 8 đến 15 lần so với giá bán cũ theo Nghị định 61/CP.

Nghị định mới quy định cách giải quyết đối với cả những dạng mua nhà bổ sung. Đặc biệt, với dạng nhà mua gom về một chủ, nếu theo Nghị định 61 thì sẽ rất khó khăn để xử lý, nhưng ở Nghị định 34 thì cách thức giải quyết cho trường hợp đó sẽ được tính theo giá đất của UBND thành phố hàng năm.

Theo Minh Nghĩa


ngatt

TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên